(Tổ Quốc) - Đặt ra mục tiêu xây dựng "vai trò trung tâm của ASEAN" nhưng tiến trình thực hiện của khối còn đang mơ hồ.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra ngày 6-8/9 tại Vientiane đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận thế giới với những nội dung thảo luận quan trọng về sự phát triển và quan hệ đối ngoại của ASEAN, các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và bệnh dịch, nhất là dịch bệnh Zika, và tình hình tại Biển Đông, bán đảo Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 tại thủ đô Vientiane ngày 6/9/2016. (Nguồn sunstar.com.ph) |
Thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN và phát triển quan hệ đối ngoại
ASEAN tuyên bố hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đồng thời thông qua văn bản tầm nhìn “ASEAN năm 2025: Siết tay tiến lên”. Năm 2016 là năm đầu tiên sau khi hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN, Lào - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN - xác định chủ đề chính của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này là thực hiện “Tầm nhìn năm 2025”, thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa, phát triển quan hệ đối ngoại.
ASEAN đã đạt được nhiều tiến triển trong thực hiện các kế hoạch đề ra, đặc biệt là 8 lĩnh vực ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào như triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, thuận lợi hóa thương mại, chuyển đổi kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, kết nối và hợp tác về di sản văn hóa.
Trong thời gian tới, ASEAN đã nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất.
Với quyết tâm thúc đẩy kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3.
Hội nghị cấp cao lần này cũng là cuộc gặp đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác nhóm họp sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ ngày 31/12/2015, điển hình như hội nghị Đông Á, ASEAN + 3 hay các cuộc hội đàm với Australia, Ấn Độ, Mỹ hay Nhật Bản.
Thành quả hợp tác giữa ASEAN và các nước liên quan sẽ được nhìn nhận lại cũng như thảo luận phương hướng phát triển trong tương lai. Các nước ASEAN và đối tác đối thoại cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành đàm phán “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” trong năm nay. Ngoài ra, làm thế nào để làm sâu sắc hơn hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là tiêu điểm quan tâm của các hội nghị lần này.
Nhiều "vết nứt"
Bên cạnh những thành tựu phát triển và hợp tác, trong bối cảnh cán cân khu vực đang chuyển dịch, căng thẳng đang âm ỉ ở các vùng Biển Đông và Hoa Đông, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, và các hiệp định thương mại lớn phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn thì sự đoàn kết của ASEAN như một tổ chức có vai trò quan trọng tại cấu trúc an ninh khu vực và là một trong những đối tác chủ chốt trong các diễn đàn quốc tế đang được đặt ra.
Giới truyền thông đang quan tâm đến những rạn nứt trong quan hệ giữa các thành viên ASEAN, nhất là trong các vấn đề quan trọng của khối.
Tác giả Mathew Davies, trong một bài viết trên Diễn đàn Đông Á ngày 4/9 đã nêu ra 3 thách thức mà ASEAN phải đối mặt. Đầu tiên là những áp lực đến từ bên ngoài, điều được thể hiện rõ nhất qua vấn đề Biển Đông.
Vệc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp ở Vientiane hồi tháng 7/2016 cùng với đó là cái bóng của sự thất bại trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 với vai trò chủ tịch của Campuchia đã khiến dư luận lo ngại.
Các nước thành viên ASEAN có những lợi ích khác nhau và ưu tiên quan hệ khác nhau, một số đứng về phía Washington, số khác ủng hộ Bắc Kinh và cũng có nước “đu dây” với cả hai nước. Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực có thể gây trở ngại cho sự đoàn kết trong ASEAN. Điều này thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn khi Mỹ hay Trung Quốc không coi sự thống nhất của ASEAN là mục tiêu chiến lược của mình, thay vào đó lợi dụng, khai thác ASEAN, dù đoàn kết hay không, cho những tham vọng riêng của họ.
Bên cạnh đó, cạnh tranh quyền lực kinh tế giữa các nước lớn cũng cần được lưu ý. Về phía Mỹ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm chỉ 4 thành viên ASEAN: Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. TPP - thành phần kinh tế trong chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ - sẽ bỏ qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vẫn đang hình thành và, tất nhiên, không bao gồm Trung Quốc.
Trong khi đó, bản thân ASEAN dẫn đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó bao gồm tất cả thành viên ASEAN cũng như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Đáng chú ý, RCEP không bao gồm Mỹ.
Thách thức thứ 2 không kém phần nghiêm trọng là những căng thẳng nội bộ khi các quốc gia chủ chốt hoài nghi về vai trò của ASEAN và hình thức xây dựng cộng đồng của khối. Việc Cộng đồng kinh tế ASEAN bị trì hoãn kéo dài do các nước thành viên phải suy tính kĩ lưỡng về việc đáp ứng tất cả các nghĩa vụ. Trong đó, chính sách của Indonesia cho thấy rõ ràng điều này. Tổng thống Joko Widodo đã dựa nhiều vào chương trình nghị sự chính trị trong nước để khẳng định mạnh mẽ lợi ích của Indonesia, trái với nhu cầu của các nước ASEAN.
Việc cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Indonesia, Rizal Sukma, kêu gọi một “chính sách đối ngoại của Indonesia hậu ASEAN” cho thấy rõ ràng rằng Indonesia, thành viên lớn nhất của ASEAN, đã thay đổi cách tiếp cận chính sách từ chủ nghĩa đa phương sang thiên về song phương nhiều hơn.
Cuối cùng, ASEAN cũng chưa thể đáp ứng được lợi ích của các nước thành viên, gây ra sự hoài nghi đến từ chính những người dân tại các quốc gia trong khối.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, những cải cách khu vực của ASEAN đã tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người dân sống tại các nước này. Tuy nhiên, việc ASEAN vẫn giữ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau khiến những cam kết trên khó có thể thực thi đồng bộ và có thể gia tăng nguy cơ bất ổn khi sự giận dữ của người dân không được giải tỏa.
Như về vấn đề Biển Đông, ASEAN đã không thể hậu thuẫn Philippines trong phán quyết của Tòa Trọng tài do chia rẽ nội bộ, dẫn đến việc ASEAN không sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia của nước thành viên của mình.
Hiện tại, điều cần thiết là các nhà lãnh đạo chính trị ASEAN sẵn sàng đưa ra các quyết định để buộc mọi thành viên phải gắn kết vào các mục tiêu chung. Nếu không có hành động thiết thực được đưa ra, ASEAN sẽ tiếp tục suy yếu và chia rẽ.
(Theo các báo nước ngoài)