(Tổ Quốc) - Một số quốc gia Đông Nam Á đang xem xét thay đổi quy tắc đồng thuận của khối cho phép thông qua các quyết định lớn.
Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN ngày 24/7 đã có mặt tại thủ đô Vientiane của Lào để tham gia hàng loạt các phiên họp – được cho là quan trọng nhất của khối từ khi Philippines giành được chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA ngày 12/7, khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Bế tắc và nhượng bộ về Biển Đông
Trung Quốc phản đối phán quyết của PCA và theo thông tin của Wall Street Journal (WSJ) đã gây sức ép đối các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư để ngăn chặn ASEAN công nhận phán quyết này với tư cách của khối.
Sự thất vọng của ASEAN đã được thể hiện rõ vào ngày 23/7 khi Indonesia triệu tập một cuộc họp để nhằm đạt được đồng thuận về các nguyên tắc sẽ được thực hiện trong các hội nghị tiếp theo, bao gồm cả các cuộc họp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc và các cường quốc lớn khác ở châu Á.
"Tôi nghĩ rằng, chúng tôi muốn thấy một ASEAN vẫn đoàn kết," Ngoại trưởng Indonesia Retno marsudi cho biết. Các nhà ngoại giao đã mô tả cuộc họp trên là cách thức để khiến Campuchia đến gần lập trường chung của khối nhưng phiên họp đã kết thúc mà không đưa ra được thỏa thuận nào.
Phiên họp của các Ngoại trưởng ASEAN ngày 24/7. (Nguồn GMA Network) |
Sau sự phản đối từ Campuchia, Philippines đã phải hạ thấp yêu cầu không đề cập tới phán quyết PCA trong tuyên bố chung. Manila đã đồng ý hạ thấp yêu cầu, Reuters trích dẫn thông tin từ một nhà ngoại giao ASEAN cho biết, trong một nỗ lực để ngăn chặn sự bất đồng dẫn đến hậu quả ASEAN không thể đưa ra được tuyên bố chung.
Sau những sự nhượng bộ trên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) ngày 25/7 đã đạt được Tuyên bố chung đề cập đến vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi lo ngại trước những diễn biến đã và đang diễn ra gần đây ở Biển Đông; ghi nhận những lo ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và leo thang các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gây gia tăng cẳng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố cho biết.
Văn kiện kêu gọi việc tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật biển của Liên Hợp Quốc, điều đã được đề cập trong phán quyết của PCA. Và điều quan trọng là tránh quân sự hóa khu vực, và tự do hàng hải phải được duy trì, ASEAN cho biết.
Sau hậu trường
Theo WSJ, các nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết cuối tuần qua rằng họ đang ngày càng “khó chịu” bởi điều được cho là sự “thao túng" của Trung Quốc đối với ASEAN. Campuchia, một đồng minh của Bắc Kinh, đã ngăn cản khối ra tuyên bố chung đề cập đến phán quyết PCA và Biển Đông. Dựa trên nguyên tắc đồng thuận, sự phủ quyết của Campuchia có hiệu lực ngăn cản việc ra tuyên bố chung của khối. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết tháng trước rằng tranh chấp Biển Đông là một vấn đề song phương, và không phải là vấn đề chung của Asean.
Các nhà ngoại giao cũng phàn nàn mạnh mẽ nhất về việc Trung Quốc đang dựa vào Campuchia để ngăn chặn nỗ lực của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Một số thông tin được công bố cho thấy gần 600 triệu USD của Trung Quốc viện trợ cho Campuchia sau khi phán quyết được cho là một “phần thưởng”, mặc dù Trung Quốc đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan chính trị đối với động thái này. Ông Hun Sen cho biết đã yêu cầu sự giúp đỡ và khoản tiền này sẽ hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng cho bầu cử, giáo dục và y tế.
Trung Quốc đã công khai cảm ơn Campuchia vì đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. “Lập trường của Campuchia là đúng đắn và sẽ bảo vệ tinh thần đoàn kết của ASEAN và sự hợp tác với Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi nói với Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon, theo một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/7.
Phương sách cuối
Sự thất vọng đã dẫn tới nhiều cuộc thảo luận về việc thay đổi ASEAN, cho phép sửa đổi quy tắc đồng thuận và tạo ra các liên minh nhỏ hơn – điều cho phép ASEAN có thể tiến về phía trước đối với các vấn đề gây tranh cãi, các nhà ngoại giao cho biết.
Một giải pháp có thể được xem xét là công thức của ASEAN đối với các vấn đề kinh tế khi khối cho phép một số thành viên hoãn thông qua thỏa thuận. Tiêu biểu như thỏa thuận 1 năm trước đây của ASEAN về thực thi thuế suất bằng không đã cho 4 thành viên kém phát triển nhất thêm thời gian để thực hiện. "Nếu Asean muốn tồn tại, thì ASEAN-X cần được áp dụng đối với lĩnh vực an ninh như đang làm trong thương mại", Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy cho biết, đề cập đến nguyên tắc ra quyết định không dựa trên sự đồng thuận.
Tuy nhiên, một thách thức lớn là một cuộc bỏ phiếu đồng thuận có thể sẽ được yêu cầu để đưa các quy tắc mới này vào áp dụng và các đồng minh của Trung Quốc có thể ngăn chặn nó.
(Theo Wall Street Journal, Reuters)