Đằng sau cuộc xung đột giữa Nam Osetia và Gruzia là đối đầu quân sự tiềm ẩn Nga và Mỹ ở một vùng giàu năng lượng và có vị trí địa-chiến lược quan trọng.
Các động thái ngoại giao. Những tiếng xích xe tăng. Tiếng giày lính. Các nạn nhân. Và những kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng không khả thi. Xung đột giữa Gruzia và Nam Osetia từ hơn 15 năm qua có thể sẽ còn kéo dài.
Mong rằng nhận định trên là nhầm lẫn. Bởi đằng sau cuộc cãi cọ 15 năm qua, mà những ngày gần đây đã dẫn tới đổ máu làm 6 người thiệt mạng, là sự đối đầu quân sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ giữa Nga và Mỹ trong một khu vực giàu năng lượng và có vị trí địa-chiến lược sống còn. Đối với Mỹ là để triển khai chiến lược đầy tham vọng Đại Trung Á. Với Nga là khu vực ảnh hưởng và vành đai an ninh. Các cuộc tranh cãi về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo có thể lan ra toàn khu vực.
Vùng Nam Caucasus (Cápcadơ) là nơi chứa rất nhiều dầu và khí đốt đang biến nước Azerbaïdjan hậu Xô Viết thành một cường quốc khu vực. Là nơi có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Trung Á sang châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Trans-caucas cũng là một mạch giao thông sống còn đối với những người phương Tây đang muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
18 năm sau khi Liên Xô tan rã, các tác nhân lịch sử chính trong khu vực này vẫn đang nắm chiếc chìa khóa giải quyết các cuộc xung đột ở vùng Caucasus. Sự đối đầu giữa Tbilisi và các vùng tự trị đòi ly khai Nam Osetia và Abkhazia thực chất là một sự đối đầu với giữa chính phủ thân Mỹ ở Gruzia với Moscow, hay chính bản thân giữa Mỹ và Nga.
Tại sao Caucasus lại “nóng”?
Tất nhiên, thiếu vắng một quy chế cuối cùng làm cho tình hình dễ bùng nổ, và sự trùng khớp với một số chuyện ngoại cảnh nho nhỏ đôi khi “hâm nóng” một cuộc xung đột. Nhưng lần này, phải thừa nhận có những thay đổi chính, kết quả của những diễn biến cơ bản.
Việc Kosovo, một tỉnh trực thuộc Serbia, đơn phương tuyên bố độc lập ngày 17/2 năm nay là tác nhân chính quyết định diễn biến của các sự kiện ở khu vực này. Nga và nhiều nước khác trên thế giới thấy đây là một bước đi nguy hiểm, phá hoại luật pháp quốc tế và cho thấy sự thắng thế của quan điểm võ đoán trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Những gì xảy ra ở Balkan không thể khiến Moscow bàng quan. Nhưng để không thêm dầu vào lửa, Nga đã không thừa nhận Sukhumi và Tskhinvali (ngay cả khi sau Kosovo, các lãnh đạo Nga cho rằng họ có quyền hành động một cách đơn phương với Abkhazia và Nam Osetia).
Ngược lại, Nga luôn sẵn sàng thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia để không làm phức tạp thêm tình hình. Nhưng cùng lúc, họ có quan hệ với hai nhà nước tự trị nói trên. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã bỏ lệnh trừng phạt Abkhazia và ra nghị quyết giúp đỡ người dân Abkhazia và Nam Osetia.
Về phần mình, Tbilisi hiểu rằng sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, triển vọng lập lại sự toàn vẹn lãnh thổ nước họ càng trở nên mù mờ. Nếu chấp nhận sự đã rồi trước những hành động của Nga, trong một hoặc hai năm, thì ngay cả việc nói đến khả năng đưa tỉnh lý khai này “trở lại mái nhà xưa” về lý thuyết cũng không có. Abkhazia là một yếu tố quan trọng đối với khu phức hợp kinh tế phục vụ Thế vận hội mùa đông ở Sochi (Nga). Còn Nam Osetia từ lâu đã là một vùng được Liên bang Nga tài trợ.
Chính vì thế, Tbilisi chọn cách hành động mạnh, gồm cả những hoạt động ngoại giao và sức ép quân sự, nhằm thu hút sự chú ý của các đồng minh phương Tây. Các lãnh đạo Gruzia cũng coi mục tiêu xích lại gần hơn với NATO và tương lai gia nhập tổ chức quân sự này là một công cụ cho phép họ đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ lâu dài.
Quan điểm này của Tbilisi được Washington chia sẻ. Theo logic đó, việc NATO trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 4 phải “nhịn” Nga mà không thông qua Kế hoạch hành động gia nhập NATO (MAP) cho Gruzia và Ukraine đã khiến Nga có các hành động mạnh hơn, để ngỏ khả năng “sáp nhập” các lãnh thổ đang gây tranh cãi này, nhằm tạo sức ép với Tbilisi và các đối tác phương Tây.
Nhưng, Nga suy nghĩ theo cách khác: Gruzia càng tiến gần đến quy chế thành viên trong quan hệ với NATO thì Moscow càng có thể thừa nhận các lãnh thổ mà Tbilisi không kiểm soát được. Bởi vì bất cứ cam kết chính thức nào của NATO đều có thể được Gruzia coi là khả năng giải quyết xung đột bằng vũ lực.
Quan điểm của Mỹ trong những tháng gần đây làm tình hình thêm bất ổn. Sáu tháng trước khi mãn nhiệm, Tổng thống Mỹ George W. Bush cần đạt một số thành công trên trường quốc tế, tránh để lại một bản báo cáo đối ngoại gồm toàn những thất bại. Khả năng trao MAP cho Gruzia và Ukraine (hoặc một trong hai nước) trong cuộc gặp cấp bộ trưởng của Khối này tháng 12 tới sẽ là cơ hội cuối để ông Bush có được một thành quả gì đó thực sự. Chính vì vậy, sức ép đè lên các đối tác châu Âu ngày càng lớn và sự ủng hộ dành cho Gruzia ngày càng rõ. Bằng chứng là chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đến Tbilisi. Tất nhiên, Gruzia coi quan điểm quá rõ này của Washington như một nền tảng cho các hành động mạnh tay hơn của họ với các tỉnh tự trị bất kham.
Rất có thể, căng thẳng sẽ lên tới cao trào vào mùa thu. Tháng 12, chính quyền Bush sẽ cố gắng lần cuối mong đạt được một quyết định thuận về MAP. Dự báo sự kiện này, các hoạt động chính trị tăng đáng kể và cùng với nó là nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực cũng tăng dần.
Moscow chơi con bài bất bạo động
Trên tất cả các mặt trận nhỏ này, Moscow chơi quân bài bất bạo động. Bởi họ lo ngại rằng một hành động bình thường hóa quan hệ với các nhà nước tự xưng trong không gian hậu Xô Viết sẽ chỉ càng giúp cho Gruzia dễ dàng gia nhập NATO hơn và tạo điều kiện cho các quan hệ quân sự ưu tiên với Chú Sam.
Tuy nhiên, một quan chức Nga cảnh báo, Nga sẽ không đứng ngoài nếu bạo lực tiếp tục leo thang ở Nam Osetia, và nếu tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát thì sẽ có những hậu quả đáng buồn. Hiện tại, nhiều binh đoàn lớn của Nga đã có mặt ở Bắc Caucasus. Trong khi đó, nhiều binh đoàn hỗn hợp của Mỹ và Gruzia, có cả sự tham gia của Ukraine, đã được huy động tại Gruzia…
Để cắt đứt cái vòng luẩn quẩn này, một sáng kiến đã được Bộ trưởng Ngoại giao Đức Franz Steinmeier đưa ra dưới danh nghĩa một nhóm của Liên hiệp quốc gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Mỹ. Sáng kiến này chủ trương những giải pháp lòng tin – Gruzia cam kết không dùng vũ lực, đổi lại sự trở về Abkhazia của 250.000 người tị nạn Gruzia – để mở các cuộc đàm phán trực tiếp. Một cuộc gặp giữa các bên dự kiến diễn ra ở Berlin cuối tháng 8 hoặc giữa tháng 9 tới.
Các nhà ngoại giao nhận định, khả năng đạt đột phá về vấn đề nóng bỏng này có thể có tác động tốt tới tất cả các hồ sơ đang dang dở. Chính Nga cũng có lợi ích nếu tháo nút cuộc xung đột ở Abkhazia và Nam Osetia, hướng tới Thế vận hội mùa đông năm 2014 tại Sochi, chỉ cách Sukhumi vài km. Nhưng với Moscow, làm gì thì làm, phải trì hoãn việc Gruzia nhận tấm thẻ hội viên NATO mới là mục đích chính./.
Bạch Dương