(Tổ Quốc) - Trung Quốc không vội vàng giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ mà đang sử dụng vấn đề này như một nước cờ địa chính trị, theo một bài viết gần đây trên tờ Asia Times.
Hiểu được các chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn của Bắc Kinh là một điều rất khó khăn vì hệ thống quản trị Trung Quốc không rõ ràng. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ sau khi xảy ra xung đột quân sự Ladakh có vẻ dễ hiểu và dễ đoán.
Thông điệp từ Trung Quốc
Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Ấn Độ rằng việc phân định ranh giới của họ, trên bản đồ hoặc trên mặt đất, sẽ không xảy ra sớm, như trang báo đáng tin cậy The Wire đưa tin thứ sáu tuần trước.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, Sun Weidong, đã truyền tải một thông điệp như vậy đến Ấn Độ khi phát biểu về mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc tại một hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu Trung Quốc tổ chức hôm thứ năm tuần trước.
Trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc chưa muốn giải quyết về Đường kiểm soát thực tế (LAC) bằng việc trao đổi bản đồ, Sun cho biết Bắc Kinh chưa muốn bắt đầu lại quá trình phân định biên giới với Ấn Độ.
The Wire trích dẫn lời Sun nói, mục đích làm rõ [LAC] là để duy trì hòa bình và yên ổn. Nhưng khi chúng ta nhìn lại lịch sử, nếu một bên đã đơn phương [tuyên bố] nhận định của chính mình về LAC trong các cuộc đàm phán, điều đó sẽ dẫn đến tranh chấp. Đó là lý do tại sao quá trình này chưa thể tiếp tục.
Quá trình phân định và làm rõ biên giới Trung - Ấn đã bị dừng lại vào năm 2002. Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý tham gia cải thiện quan hệ song phương trong hợp tác kinh tế và thương mại, xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề toàn cầu và vẫn giữ sự khác biệt của họ về vấn đề biên giới.
Nhận xét của Sun Weidong hướng tới kết luận rằng các chiến lược gia Trung Quốc không coi việc giải quyết vấn đề biên giới là ưu tiên vào thời điểm này. Theo Sun, vấn đề chính là Ấn Độ và Trung Quốc duy trì hòa bình và yên ổn ở biên giới theo các thỏa thuận năm 1993 và 1996 và các biện pháp xây dựng lòng tin khác.
Ông Sun dường như cũng ám chỉ rằng các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng các thỏa thuận năm 1993 và 1996 với Ấn Độ là kết quả của bối cảnh lịch sử cụ thể thập niên 1990, và bối cảnh chiến lược đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Đảng Bharatiya Janata (BJP) lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014.
Nói cách khác, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ chỉ ra rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình và yên tĩnh ở biên giới như một chiến thuật ngắn hạn, nhưng không tìm kiếm một giải pháp lâu dài ngay lúc này hoặc trong tương lai gần.
Nằm giữa 2 lựa chọn
Do đó, Trung Quốc đã để cho Ấn Độ nằm giữa hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là thực hiện các thỏa thuận và sự đồng thuận mà Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được tại các hội nghị thượng đỉnh không chính thức của họ ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 4 năm 2018 và tại Mahabalipuram, Ấn Độ, vào tháng 10 năm 2019. Bắc Kinh muốn New Delhi tách khỏi liên minh chiến lược với Washington. Họ cũng muốn Ấn Độ bắt tay với Trung Quốc trong việc xây dựng một trật tự kinh tế toàn cầu mở, đa cực, đa nguyên và có kết nối.
Lựa chọn thứ hai là phân định biên giới với Trung Quốc bằng vũ lực. Điều đó có nghĩa là tiến hành một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc, và khi chiến thắng trận chiến, buộc Bắc Kinh phải chấp nhận biên giới theo định nghĩa của New Delhi.
Tuy nhiên, nếu Ấn Độ chọn phương án thứ hai này, đó sẽ ngang với việc tự hủy diệt mình. Ấn Độ không thể có một cuộc chiến chống lại Trung Quốc khi có sự chênh lệch lớn giữa hai nước về cả khả năng kinh tế và quân sự.
Cái giá quân sự và kinh tế của chiến tranh sẽ cao hơn nhiều đối với Ấn Độ so với Trung Quốc, đặc biệt là ngay lúc này, giữa đại dịch Covid-19, Ấn Độ đang vật lộn để duy trì ngân sách quốc phòng và cho con đường phát triển.
Khoảng 2.500 năm trước, nhà tư tưởng và triết gia quân sự Trung Quốc Sun Tzu đã nói rất đúng, những người muốn chiến đấu trước thì phải tính đến chi phí. Làm thế nào trả tiền cho một cuộc chiến là một câu hỏi rất quan trọng đối với Ấn Độ tại thời điểm này.
Quan trọng hơn, nếu chiến tranh nổ ra giữa hai gã khổng lồ châu Á này, những thất bại về mặt chính trị sẽ có ý nghĩa hơn nhiều đối với Ấn Độ so với Trung Quốc vì sự khác biệt trong hệ thống quản trị của họ. Nếu Ấn Độ thất bại trong một cuộc chiến như vậy, thì BJP sẽ không thể giữ được quyền lực.
Do đó, nếu chính phủ do BJP lãnh đạo chọn chiến tranh, họ sẽ tự bắn vào chân mình.
Nhận định của Đại sứ Sun Weidong vừa qua cũng cho thấy Trung Quốc có lợi thế chiến lược rõ ràng so với Ấn Độ khi tranh chấp biên giới kéo dài. Với việc triển khai 20.000 đến 40.000 quân, Trung Quốc có thể khiến giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Ấn Độ luôn phải chú ý đến các vấn đề biên giới.
Xung đột vừa qua ở Ladakh đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ bận rộn bằng cách kéo dài căng thẳng biên giới. Trung Quốc cũng đã khiến Ấn Độ lãng phí nguồn tài chính khan hiếm, sự quan tâm về chính trị và quân sự, thời gian và nỗ lực để bảo vệ một đường biên giới cằn cỗi ở vùng cao nguyên Himalaya. Tiếp theo đó, Ấn Độ sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế vì các nguồn lực chuyển hướng để duy trì LAC. Hệ lụy sau nữa là Ấn Độ sẽ bị thu hẹp về quy mô kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu. Các chiến lược gia của Bắc Kinh nghĩ rằng điều đó có thể sẽ đẩy Ấn Độ đứng sau Trung Quốc khoảng nửa thế kỷ và họ có thể ngăn Ấn Độ nổi lên như một đối thủ trong tương lai.
Những chiến lược gia này muốn kiềm chế Ấn Độ lâu dài bằng cách khai thác chủ nghĩa dân tộc về lãnh thổ của người Ấn Độ. Họ tin rằng có thể hoàn thành mục tiêu chiến lược dài hạn của mình - để ngăn Ấn Độ phát triển như một siêu cường - miễn là vấn đề biên giới còn sót lại.
Một thỏa thuận cuối cùng về phân định biên giới Ấn Độ-Trung Quốc sẽ chỉ có thể xảy ra khi khả năng quân sự và kinh tế giữa hai nước này ngang nhau. Lúc này, sẽ không cần đến lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp biên giới của họ.