• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 3: Mốc đỉnh triều liên tục bị phá vỡ, vì sao?

Thời sự 24/10/2016 06:17

(Tổ Quốc) -Lịch sử liên tục thay đổi của đỉnh triều tại TP.HCM chỉ bắt đầu từ sau năm 1995. Vì sao triều cường tại TP.HCM lại liên tục dâng cao khiến công cuộc chống ngập của địa phương này ngày càng khó khăn?

Độ cao của TP.HCM so với mực nước biển chỉ đạt 0,8m – 2m tùy khu vực.Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất tại đô thị này thiết lập hồi tháng tháng 10/2014 là 1,7m.Với triều cường tại TP.HCM, đỉnh triều luôn phá kỷ lục tự thiết lập hàng năm. Thống kê từ Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM cho thấy, năm 2010 đỉnh triều 1,55m, đến năm 2011 đạt 1,59m, năm 2012 đỉnh triều nhích lên 1,62m, đến năm 2013 lại cao đến 1,68m. Sau năm 2014, năm 2015 triều cường tiếp tục dâng cao 1,7m.Cách đây ít hôm, TP.HCM bị ngập nặng do mưa trong lúc đỉnh triều cao 1,66m.

Người dân TP.HCM chung sống với triều cường

Trong mùa mưa năm 2015, TS.Nguyễn Bách Phúc – chuyên gia thuộc Hội Tư vấn khoa học công nghệ & quản lý, đã chia sẻ với truyền thông rằng từ 1995 trở về trước đỉnh triều tại TP.HCM chưa bao giờ vượt quá 1,3m. Lịch sử liên tục thay đổi của đỉnh triều tại TP.HCM chỉ bắt đầu từ sau năm 1995.Vì sao triều cường tại TP.HCM lại liên tục dâng cao khiến công cuộc chống ngập của địa phương này ngày càng khó khăn?

Với góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ - Chủ nhiệm Bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã kiến giải rằng hệ thống bờ bao góp phần gây ra chuyện triều cường phá kỷ lục hàng năm.

Theo chuyên gia lĩnh vực Địa kỹ thuật, trước năm 1995 TP.HCM có nhiều vùng đất thấp để nước sông tự nhiên tràn vào khi triều dâng. Từ sau năm 1995 diện tích vùng đất thấp này ngày càng thu hẹp do đô thị hóa và để ngăn nước sông tự nhiên tràn vào khi triều dâng, hệ thống bờ bao hình thành. Hệ thống bờ bao càng dài thì lượng nước sông không được ngập tràn tự nhiên ấy sẽ tạo ra đỉnh triều cao hơn.“Đỉnh triều cao hơn thì bờ bao phải cao hơn, dài hơn và lại tạo ra đỉnh triều cao hơn nữa” – PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ giải thích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến mối tương quan mật thiết giữa triều cường và hệ thống cống thoát nước đô thị tại TP.HCM. Theo đó, nguyên lý thiết kế hệ thống cống thoát nước đô thị luôn tính đến bài toán chân triều và đỉnh triều. Vì vậy hệ thống thoát nước đô thị cũ tại TP.HCM, nếu được tính theo đỉnh triều 1,3m, trong bối cảnh triều dâng cao đạt đỉnh 1,6m – 1,7m như hiện nay, hiệu quả thoát nước của hệ thống cống thoát nước cũ suy giảm là chuyện khó tránh khỏi. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước mới không hoàn toàn “tự chủ” mà còn dựa vào hệ thống thoát nước cũ thì ngập do triều, ngập do mưa, ngập do vừa triều vừa mưa là chuyện không quá khó hiểu.

Đến thời điểm này, từ cơ quan chức năng đến giới chuyên gia đều tỏ ra lúng túng khi buộc phải đưa đáp án cho bài toán “thoát ngập” ở TP.HCM, có chăng chỉ là một phần đáp án giúp đô thị này “giảm ngập”. Để dễ hình dung cách rõ ràng nhất nguyên tắc sống chung với ngập ở TP.HCM mà người dân đô thị này đang quen dần, cần phải nhắc lại “hiệu ứng mu rùa” trong quy hoạch đô thị.

Cao độ trung bình của TP.HCM là 0,8m – 2m so với mực nước biển, điều này đồng nghĩa với việc đô thị này có nơi là “mu rùa” và có nơi chỉ là “chân rùa” (nơi chứa, thấm, thoát nước khi triều dâng, khi trời mưa). Vì vậy, phát triển đô thị về hướng “mu rùa” là nguyên lý sống còn đối với vấn đề tiêu thoát nước, bao gồm cả nước sinh hoạt lẫn nước mưa. Trên thực tế, tiến trình đô thị hóa ở TP.HCM tới nay dù chưa hoàn tất nhưng hầu hết “chân rùa” cũng đã không còn, vậy công cuộc “thoát ngập” của đô thị này, về nguyên lý là chưa tìm thấy giải pháp khả thi, ít nhất là cho tới thời điểm này, còn “chống ngập” thì được chỗ nào hay chỗ đó cho đến khi chỉ còn một điểm ngập duy nhất.

Trong cách nhìn nhận quá ít lạc quan, TS. Nguyễn Bách Phúc nói rằng điệp khúc "càng chống càng ngập” ở TP.HCM sẽ tiếp tục dằn vặt đô thị này suốt 20 năm sau hoặc lâu hơn nữa. Nhận xét của vị chuyên gia này, dù khiến cơ quan chức năng khó lòng chia sẻ, song lại tỏ ra hữu hiệu trong việc góp phần kiến tạo tâm thế “sống chung với ngập” ở người dân TP.HCM. 

Đỗ Bá

NỔI BẬT TRANG CHỦ