• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Vì sao hệ thống cống thoát nước đô thị quá tải?

Thời sự 23/10/2016 07:14

(Tổ Quốc) - Trong khi nước mưa ở TP.HCM chỉ còn đường thoát duy nhất là hệ thống cống thoát nước đô thị thì bản thân hệ thống này đang vướng nhiều bất cập.

Hệ thống cống... thiếu đồng bộ 

Hồi cuối tháng 5/2016, ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã lên tiếng than rằng hệ thống đường dài hơn hệ thống cống, tức là nhiều con đường ở đô thị này chưa có hệ thống cống. Ngoài vấn đề này, ông Tất Thành Cang còn đề cập đến sự thiếu đồng bộ giữa hệ thống cống thoát nước đô thị cũ và mới.

Hệ thống cống thoát nước không đồng bộ và bị lấn chiếm khiến TP.HCM hễ mưa là ngập

Trong khi hệ thống thoát nước đô thị cũ ở TP.HCM chỉ được tính toán nhằm đáp ứng nhu cầu thoát nước tối đa cho 2 triệu dân, theo ý kiến chuyên gia, thì sự kết nối giữa hệ thống cống thoát nước mới vào hệ thống cũ khác nào “vô hiệu hóa” hệ thống mới. Vấn đề này cũng được ông Tất Thành Cang đề cập khi cho rằng cao độ khác nhau giữa hệ thống thoát nước đô thị cũ và mới sẽ khiến hiệu quả thoát nước bị ảnh hưởng.

Trong một thống kê được cơ quan chức năng đưa ra hồi năm 2011, theo quy hoạch thì toàn TP.HCM cần đến 6.500 km cống thoát nước, nhưng tại thời điểm đó tính trên toàn địa bàn chỉ có 2.000 km cống thoát nước. Đây quả là con số biết nói về thực trạng ngập do mưa ở TP.HCM trong bối cảnh nước mưa chỉ còn đường thoát duy nhất là hệ thống cống thoát nước đô thị.

Từ góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ - Chủ nhiệm Bộ môn Địa kỹ thuật,Khoa Kỹ thuật Địa chất và Du khí thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, phân tích rằng vấn nạn ngập do mưa vì hệ thống cống thoát nước quá tải ở TP.HCM còn liên quan đến câu chuyện nâng đường.

Theo chuyên gia này, việc tính toán hệ thống cống thoát nước đô thị ở TP.HCM trước đây dựa trên cơ sở phân chia thành nhiều tiểu lưu vực. Hệ thống cống này dành cho cả nước mưa chảy tràn và nước thải.“Việc nâng đường đã làm thay đổi diện tích tiểu lưu vực, tạo ra những tiểu lưu vực quá lớn so với hệ thống cống thoát nước có trước đó” – PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ phân tích.

Ông Nguyễn Thành Phong-Chủ tịch UBND TP.HCM đi kiểm tra hệ thống kênh rạch trước tình trạng... "mưa là ngập" 

Liên quan đến câu chuyện nâng đường, chuyên gia lĩnh vực Địa kỹ thuật còn nêu băn khoăn mà nhiều chuyên gia từng bày tỏ về cốt nền. Đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa thể ban hành cốt nền chuẩn dù hồi năm 2008 một chuyên gia đồng thời là đại biểu HĐND TP.HCM đã lên tiếng đề xuất. Trong bối cảnh đó, nhiều tuyến đường tại đô thị này muốn đạt cốt nền 2m tùy theo ý chí chủ quan của đơn vị thực hiện. Điều này lý giải tại sao TP.HCM không hết ngập do mưa mà chỉ chuyển ngập từ nơi này sang nơi khác.

Trở lại sự quá tải của hệ thống cống thoát nước đô thị hiện nay khiến tình trạng ngập do mưa vẫn tiếp diễn ở TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ chia sẻ rằng có hai cách khả dĩ góp phần hóa giải được vấn nạn mưa ngập. Một là kiến tạo hệ thống thoát nước mưa riêng, không kết nối vào hệ thống thoát nước sinh hoạt (ưu tiên thực hiện tại các khu vực ngập nặng do mưa). Hai là kiến tạo hệ thống thu gom bổ sung cho nước dưới đất hoặc chứa đựng nước mưa tại hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp…

Nhiều khó khăn thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ

Liên quan đến dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn I, đại diện chủ đầu từ Trung Nam Group, cho biết đang gặp rất nhiều khó trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đến nay, sau 3 tháng khởi công, dự án đã đồng loạt thi công 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn chưa nhận được đủ mặt bằng để triển khai toàn diện do công tác giải phóng mặt bằng, các công trình ngầm và nổi (điện, cáp quang, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng) trong phạm vi dự án và tiến độ giải ngân của ngân hàng.

“Do đó cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác thi công” – đại diện chủ đầu tư nói.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp triển khai giữa Sở TN-MT TP.HCM và Hội đồng Thẩm định bồi thường thành phố chưa thông suốt để tiến hành đền bù cho từng quận. Cụ thể, cống Cây khô (Bình Chánh) hiện tại chưa có đường vào; các đoạn đê kè nằm trong an toàn sông Sài Gòn cần được UBND Quận 7 và huyện Nhà Bè hỗ trợ vận động các doanh nghiệp bàn giao thi công…

Đỗ Bá

NỔI BẬT TRANG CHỦ