(Tổ Quốc) - Ông Đặng Văn Dũng-Phó giám đốc Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, khuyến cáo như vậy với PV Báo Điện tử Tổ Quốc trong chiều ngày 11/10 về kỳ triều cường cao nhất năm kết hợp mưa lớn do trục rãnh áp thấp gây nên có thể khiến TP.HCM… ngập nặng.
- 08.03.2009 TP.HCM: Mưa lớn gây ngập nặng, tắc đường
- 15.09.2012 Ngày mai, Sài Gòn sẽ đón đợt triều cường lớn trong năm
- 15.09.2015 TP.HCM: Mưa lớn làm sạt hàng chục mét mái taluy cầu Thủ Đức
- 27.09.2016 TP.HCM: 21 vụ cháy xảy ra trong ngày “đại hồng thủy”
- 28.09.2016 TP.HCM: Sau “đại hồng thuỷ” mặt đường lỗ chỗ như tổ ong
- 29.09.2016 TP.HCM: “Nóng” chuyện cướp giật, ngập nước và ô nhiễm
Hễ mưa là người dân TP.HCM lại "bì bõm" trong nước |
Mưa và đỉnh triều… “hội tụ”
Theo ông Đặng Văn Dũng, dự báo trong khoảng 10 ngày tới (từ ngày 11 đến ngày 20/10 -PV) trên khu vực Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng có khả năng xảy ra các trận mưa to đến rất to với thời lượng kéo dài từ 2-3 tiếng.
Cụ thể, từ ngày 10 đến ngày 19/10, tại khu vực Nam bộ và TP.HCM do chịu ảnh hưởng của trục rãnh áp thấp và hoàn lưu xoáy thuận trên biển Đông ở rìa Tây Nam nên xảy ra mưa rào và mưa dông rải rác. Trong đó, từ ngày 10 đến ngày 14 và từ ngày 16 đến ngày 18 có mưa vừa đến mưa to (lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200mm -PV) và giông. Gió Tây nam cấp 2, cấp 3, đề phòng gió giật mạnh trong cơn dông.
Điều đáng “lo ngại”, hiện mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai đang lên theo kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch- trùng với đợt mưa trên. Do đó, mực nước đỉnh triều khu vực này sẽ lên nhanh trong những ngày tới nên TP.HCM sẽ đối diện với nguy cơ ngập nặng.
Mưa và triều cường "hội tụ", TP.HCM sẽ đối diện với nguy cơ ngập nặng trong những ngày tới. |
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, đến ngày 15/10 (rằm tháng 9 âm lịch -PV), mực nước tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,45-1,50m (xấp xỉ hoặc thấp hơn mức báo động III 0,05m). Thời gian xuất hiện hiện triều cường từ 4 -6 giờ sáng.
Cũng theo ông Đặng Văn Dũng, đỉnh triều năm nay sẽ xuất hiện vào ngày 17-18/10 (tức ngày 17 và 18 tháng 9 âm lịch). Mức triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,62-1,67m (cao hơn mức báo động III từ 0,12 đến 0,17m). Thời gian xuất hiện hiện triều cường trong ngày từ 4 -6 giờ và từ 16 đến 18 giờ.
“Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM và TP.Thỉ Dầu Một (Bình Dương) có khả năng ở cấp độ III. Riêng TP. Biên Hòa (Đồng Nai), có khả năng ở cấp độ II. Cần đề phòng khả năng triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập nhiều nơi” – ông Đặng Văn Dũng cho biết thêm.
Người dân cần có phương án ra đường nếu không muốn "ngâm chân và xe" trong ... biển nước |
“Người dân cần có phương án ra đường”
Trước dự báo TP.HCM sẽ đối diện với nguy cơ ngập nặng, ông Đặng Văn Dũng, khuyến cáo người dân cần có phương án, kế hoạch và lịch trình khi ra đường trong những ngày tới.
“Đặc biệt, đối với những người dân không có mặt ở nhà vào thời điểm đỉnh triều dâng tại khu vực nguy cơ ngập nặng nên kê gác đồ đạc cũng như tắt hệ thống điện trong gia đình để phòng tránh cháy nổ” – ông Đặng Văn Dũng nói.
Ngoài ra, vào thời điểm mưa, cộng với đỉnh triều, người dân không có công việc gấp gáp, cần phải giải quyết ngay thì nên nán lại lại trong nhà, hoặc cơ quan để tránh phải “ngâm chân và xe” cũng như kẹt cứng giữa... biển nước.
Tuyến đường Lương Định Của (quận 2) luôn ngập khi có triều cường |
“Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân về phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ có văn bản, kèm bản tin dự báo gửi đến Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn TP.HCM và 24 quận/huyện để thông báo cho người dân sinh sống tại khu vực ven kênh, vùng trũng, thường xuyên ngập có kế hoạch, phương án bảo quản tài sản, tính mạng…” – ông Đặng Văn Dũng cho biết thêm.
Kẹt xe trầm trọng tại tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) trong sáng ngày 3/10 |
Liên quan đến “Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, ông Nguyễn Thành Phong-Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có ý kiến chỉ đạo và đề nghị Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (tập đoàn Trung Nam Group) thống kê tất cả các công trình hạ tầng ngầm, nổi bị ảnh hưởng bởi dự án, báo cáo Sở Giao thông vận tải trước ngày 14/10 để phối hợp với các đơn vị quản lý công trình thực hiện nhanh việc di dời, đảm bảo tiến độ dự án. Khẩn trương hoàn thành Phương án cắm ranh mốc dự án trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước ngày 15/10 để tiến hành thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định.Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016 – 2018). Sau 3 tháng khởi công-tháng 4/2016, dự án đã đồng loạt thi công 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè.