(Tổ Quốc) - Diện tích bê tông hóa lan rộng, hệ thống cống thoát nước quá tải, vùng trũng chứa nước không còn… đang khiến nguyên lý “sống chung với lũ” của người dân ĐBSCL đang vận vào người dân TP.HCM: “sống chung với ngập”.
- 20.10.2013 TP.HCM: Triều cường đang đạt đỉnh
- 03.12.2013 TP.HCM: Triều cường có thể chạm mốc lịch sử
- 05.12.2013 Vỡ bờ bao, hàng ngàn hộ dân khốn đốn
- 27.09.2016 TP.HCM: 21 vụ cháy xảy ra trong ngày “đại hồng thủy”
- 28.09.2016 TP.HCM: Sau “đại hồng thuỷ” mặt đường lỗ chỗ như tổ ong
- 29.09.2016 TP.HCM: “Nóng” chuyện cướp giật, ngập nước và ô nhiễm
- 12.10.2016 Chi tiết thông tin mưa, triều cường cùng "vây" TP.HCM
Bài 1: Vì sao cứ mưa là ngập?
Sau nhiều năm tốn kém với muôn kiểu chống ngập, mùa mưa năm 2016 đang diễn ra ở TP.HCM khiến cư dân địa phương này đã hết sợ nước ngập, song không vì đô thị này thực sự hết ngập mà do họ đã quen sống chung với ngập.
Triều cường và mưa khiến các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM... ngập |
PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ - Khoa Kỹ thuật và Địa chất dầu khí thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, chia sẻ với PV Báo Điện tử Tổ Quốc một thông tin mang đậm tính chuyên môn rằng, lượng nước mưa thấm xuống đất trong điều kiện phi bê tông hóa tối đa là 30%, điều này đồng nghĩa với 70% lượng nước mưa còn lại một phần sẽ chảy tràn xuống vùng đất trũng có hồ, kênh, rạch chứa đựng và phần còn lại chảy ra sông lớn qua hệ thống cống thoát nước đô thị.
Trên thực tế, hiện nay vùng trung tâm TP.HCM với khoảng 13 - 19 quận/huyện đã đô thị hóa (bê tông hóa) hoàn toàn. Bên cạnh đó, diện tích hồ, kênh, rạch ở vùng đất trũng bị thu hẹp đến mức báo động do vừa bị san lấp vừa bị lấn chiếm. Thực tế này khiến hầu hết lượng nước mưa ở TP.HCM hiện nay trở thành nước chảy tràn và lối thoát duy nhất là hệ thống cống thoát nước đô thị.
“Khi hệ thống cống thoát nước đô thị với chức năng thoát nước sinh hoạt trở thành lối thoát duy nhất của nước mưa, thì câu chuyện hệ thống cống thoát nước quá sức chịu đựng không hề khó hiểu, nên ở khu vực trung tâm TP.HCM hiện giờ mưa nhỏ với vũ lượng 50mm kéo dài một tiếng đồng hồ cũng gây ngập nhiều tuyến đường” – PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ giải thích.
Người dân khu vực ngập thường xuyên đã dần quen "sống chung với ngập" |
Vị chuyên gia đảm nhiệm vai trò Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật lưu ý thêm rằng, trong trường hợp triều cường, dù chưa đến mức nước sông chảy ngược qua hệ thống cống gây ngập đường xá hay khu dân cư như vẫn thường diễn ra, mà chỉ ở mức “vô hiệu hóa” hệ thống cống thoát nước (mực nước sông cao xấp xỉ điểm cao nhất của hệ thống cống thoát nước) thì nước mưa tại thời điểm đó chỉ có thể “chạy loanh quanh tìm khu vực trũng mà tạm trú” đến khi hệ thống cống tái hoạt động nhờ triều rút.
“Những sai lầm trong công tác quy hoạch đô thị tại TP.HCM đã được giới chuyên gia lâu nay đề cập nhiều rồi, tôi không cần nhắc tới nữa.Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, quy hoạch đô thị mà không chừa đường cho nước mưa thoát, chừa chỗ cho nước mưa thấm, chừa hồ, kênh, rạch chứa nước mưa thì ngập là không tránh khỏi” – chuyên gia lĩnh vực Địa kỹ thuật chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh thêm lỗi quy hoạch đô thị khiến TP.HCM cứ mưa là ngập, PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ còn đặt câu hỏi ngược: “Vì sao TP.Pleiku nằm ở độ cao 300-500m so với mực nước biển, tức là điều kiện rất thuận lợi đối với vấn đề thoát nước mưa theo cách tự nhiên, mà thời gian qua cũng liên tục ngập vì mưa?”. Rõ ràng, quy hoạch đô thị theo hướng diện tích bê tông hóa lan rộng, hệ thống cống thoát nước quá tải, vùng trũng chứa nước không còn… khiến thành phố cao nguyên còn bị mưa ngập, thì TP.HCM với cao độ 0,8m – 2m so với mực nước biển không ngập mới lạ.