• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 4: Hệ luỵ tiêu cực từ Tiktok và biện pháp đối phó từ hàng loạt quốc gia

Thế giới 14/04/2023 08:08

(Tổ Quốc) - Theo bình luận trên báo chí Anh, không thể đánh giá thấp sức mạnh của TikTok - nó có thể tạo nên hoặc phá vỡ sự nghiệp của người khác, ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về người khác và dẫn đến sự lan rộng của nhiều xu hướng khác nhau.

Theo số liệu tính tới tháng 3 năm nay của Colchester Evening Gazette, được tạo ra từ năm 2016, TikTok hiện có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Sự phổ biến của ứng dụng này, đặc biệt là đối với những người trong độ tuổi 15-25, đã tăng hơn 180% trong thời kỳ đại dịch và vẫn giữ được mức độ phổ biến kể từ đó.

Vậy tại sao nó lại phổ biến như vậy? Không giống như các hình thức truyền thông xã hội khác như YouTube, TikTok chủ yếu chia sẻ các clip, thường không dài hơn một phút. Những video này vừa đủ ngắn để thu hút sự chú ý của khán giả nhưng cũng đủ dài để khiến người xem muốn xem thêm. Vì vậy, cảm giác giống như chỉ xem một vài video 30 giây nhưng cuối cùng nhiều người lại dành hàng giờ cho ứng dụng này.

Sự nguy hại của TikTok

Với tần số sử dụng lớn như vậy, TikTok cũng trở thành chủ đề của nhiều lo ngại, cả cá nhân và toàn xã hội. Một trong những mối quan ngại chính liên quan đến TikTok là tác động tiềm ẩn của nó đối với sức khỏe tâm thần. Thuật toán của ứng dụng này được thiết kế để thu hút người dùng bằng cách hiển thị cho họ liên tiếp nhiều nội dung họ thích và dần dần nó tạo nên hành vi gây nghiện. Với thói quen sử dụng như vậy, nhiều người lo ngại rằng TikTok có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tinh thần ở giới trẻ, bao gồm lo lắng và trầm cảm.

Một mối lo ngại khác là khả năng TikTok bị sử dụng như một công cụ tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch. Nhiều chính phủ phương Tây đang lo ngại công ty mẹ của ứng dụng này là ByteDance có thể bị yêu cầu sử dụng TikTok như một công cụ gây ảnh hưởng.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại về các hoạt động bảo mật dữ liệu của ứng dụng này. Một số chuyên gia còn cảnh báo rằng dữ liệu người dùng có thể dễ bị tấn công và giám sát.

Hệ lụy tiêu cực từ Tiktok và biện pháp đối phó từ hàng loạt quốc gia - Ảnh 1.

Nhiều người cũng lo ngại các nội dung tiêu cực đang lan tràn trên Tiktok. Ảnh: Cosmos Magazine.

TikTok cũng đã bị chỉ trích vì thiếu sót trong hoạt động kiểm duyệt nội dung của họ. Mặc dù ứng dụng có sẵn các chính sách để ngăn chặn ngôn từ kích động thù địch, thông tin sai lệch và nội dung có hại khác, nhưng một số người dùng báo cáo rằng các chính sách này được thực thi không nhất quán. Cũng có những lo ngại về khả năng phát hiện và loại bỏ các xu hướng nguy hiểm trên ứng dụng này, điều có thể dẫn đến thương tích và thậm chí tử vong.

Tháng 12 năm 2022, CNN đã dẫn một nghiên cứu cho thấy TikTok có thể hiển thị nội dung có hại liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống cho thanh thiếu niên trong vòng vài phút sau khi họ tạo tài khoản. Trung tâm phi lợi nhuận đối phó với sự thù ghét trên không gian mạng (CCDH) nhận thấy rằng có thể mất chưa đầy 3 phút sau khi đăng ký tài khoản TikTok để xem nội dung liên quan đến tự tử và khoảng 5 phút nữa để tìm ra một cộng đồng quảng bá nội dung về rối loạn ăn uống. CCDH cũng cho biết TikTok đề xuất các video về hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần khoảng 39 giây một lần trong khoảng thời gian 30 phút.

"Kết quả nghiên cứu là cơn ác mộng của mọi bậc cha mẹ khi nguồn cấp dữ liệu cho những người trẻ tuổi tràn ngập nội dung có hại, hỗn loạn và có thể có tác động tích lũy đáng kể đến sự hiểu biết của người trẻ về thế giới xung quanh cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của họ," Imran Ahmed, CEO của CCDH, cho biết.

Cũng không khó để tìm thấy các xu hướng độc hại lan tràn trên TikTok toàn cầu, thậm chí đã cướp đi tính mạng của nhiều người dùng. Tháng 4 năm nay, cậu bé 13 tuổi Jacob Stevens tại Mỹ đã chết vì tham gia thử thách nổi tiếng Benadryl trên Tiktok. Xuất hiện từ năm 2020 và hiện tại dường như đang trở nên phổ biến trở lại, trào lưu uống một lượng lớn thuốc dị ứng không kê đơn Benadryl có hại rất lớn với sức khoẻ.

Hệ luỵ tiêu cực từ Tiktok và biện pháp đối phó từ hàng loạt quốc gia - Ảnh 2.

Nhiều xu hướng độc hại đang lan truyền trên TikTok. Ảnh: The National World.

Theo trang National World, từ năm 2020, nhiều người đã phải nhập viện sau khi uống quá nhiều loại thuốc này. Một số thanh niên cũng đã chết do cố gắng thực hiện thử thách. Trước tình huống nguy hiểm này, nhà sản xuất thuốc, Johnson and Johnson, đã phải đưa ra một tuyên bố nói rằng xu hướng này là "cực kỳ đáng lo ngại" và "cần phải dừng lại ngay lập tức".

Một thử thách nguy hiểm khác trên Tiktok là "thử thách bất tỉnh". Theo trang People, thử thách bất tỉnh đã xuất hiện ít nhất từ năm 2008, nhưng nó lại bắt đầu "hot" lại trên TikTok vào năm 2021 và tiếp tục gây chú ý vào năm 2023. Thử thách bất tỉnh (blackout challenge) khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình bằng các vật dụng trong nhà cho đến khi bất tỉnh và quay lại cảnh khi họ tỉnh lại. Theo CDC Mỹ, từ những ngày đầu xuất hiện, đã có hơn 80 trường hợp tử vong liên quan đến thử thách này và các chuyên gia cũng đã cảnh báo người dùng trẻ tuổi không nên tham gia trào lưu này. Nhưng gần đây nhất, vào tháng 1 năm 2023, Milagros Soto, 12 tuổi, đã chết ở Argentina sau khi thực hiện thử thách này, theo New York Post. Hay trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, Lauryn Keating phát hiện con trai 14 tuổi của mình, Leon Brown, chết trong nhà của họ ở Scotland sau khi thực hiện thử thách này, theo The Daily Record, một trang tin tức của Scotland.

Trên bình diện lớn hơn, cũng đang có những lo ngại về tác động của TikTok đối với toàn xã hội. Việc TikTok tập trung vào nội dung video dạng ngắn đã bị chỉ trích vì góp phần tạo nên văn hóa hời hợt và việc chỉ duy trì sự chú ý trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, một số chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về tác động của mạng xã hội đối với nền dân chủ và sự tham gia của người dân, cho rằng các nền tảng như TikTok có thể góp phần làm chia rẽ các vấn đề công cộng và xói mòn niềm tin vào các thể chế.

Theo trang The Conversation, Indonesia là nơi có lượng người dùng lớn thứ hai trên toàn cầu của nền tảng này và tác động của TikTok đối với dư luận và hành vi nước này đã được thể hiện trong các cuộc biểu tình phản đối Luật Lao động năm 2020. Khi đó, những người trẻ Indonesia đã sử dụng ứng dụng này để phổ biến thông điệp chính trị và tập hợp sự ủng hộ.

Nếu không có có sự giám sát thích hợp, TikTok có khả năng trở thành nơi sản sinh ra các tác nhân chính trị chống đối và tội phạm mạng. Chúng có thể tận dụng những ứng dụng như vậy để lan truyền thông tin sai lệch về tôn giáo sắc tộc và làm trầm trọng thêm căng thẳng và chia rẽ.

Các quốc gia, khu vực nhanh chóng tìm cách đối phó

Cho tới nay, số lượng các quốc gia cấm người dân sử dụng TikTok đang ngày càng tăng. Tại Mỹ, TikTok bị cấm trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang. Gần một nửa số bang, Alabama, Alaska, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maryland, Michigan, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia, Wisconsin và Wyoming, cũng đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính quyền.

Montana gần đây đã trở thành tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ cấm cư dân của mình tải xuống TikTok trên thiết bị của họ, với lý do lo ngại ứng dụng này bán dữ liệu cá nhân. Cửa hàng Google Play và cửa hàng ứng dụng của Apple cũng có thể bị phạt tới 10.000 USD vì cho phép tải xuống TikTok ở bang này. Mặc dù vẫn chưa rõ luật sẽ thực thi như thế nào nhưng luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2024.

Kể từ tháng 5, hơn 30 trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ, trong đó có Đại học Auburn, Đại học bang Oklahoma và Đại học Texas ở Austin, cũng đã cấm truy cập TikTok thông qua mạng WiFi của trường học.

Australia, Bỉ, Anh, Canada, Pháp, Liên minh Châu Âu và Scotland cũng có lệnh cấm việc sử dụng TikTok trên các thiết bị điện tử của nhà nước.

Hệ lụy tiêu cực từ Tiktok và biện pháp đối phó từ hàng loạt quốc gia - Ảnh 2.

Ấn Độ ra lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok (Ảnh: Getty).

Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm TikTok trên tất cả các thiết bị của họ từ năm 2020. Cho tới nay, Ấn Độ là quốc gia lớn nhất ban hành lệnh cấm đối với ứng dụng này.

Để đánh giá việc TikTok khi bị cấm hoàn toàn có tác động gì thì có thể xem xét điều đang xảy ra ở Ấn Độ. Và thực tế là việc cấm TikTok không gây ra quá nhiều tác động đối với người dùng ở Ấn Độ. Năm 2020, TikTok có gần 200 triệu người dùng Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này khi đó là một trong nơi có nhiều người dùng TikTok nhất thế giới. Và khi TikTok vắng bóng, các ứng dụng quốc tế khác tiếp tục phát triển, và cả nhiều ứng dụng video do Ấn Độ tự sản xuất. Hơn 4 tháng sau lệnh cấm vào giữa năm 2020, ít nhất 13 công ty công nghệ ở Ấn Độ đã trình làng các phiên bản khác nhau của ứng dụng video dạng ngắn tương tự như TikTok. Và sau thời gian kiểm nghiệm của thị trường, có 3 ứng dụng đó cho thấy khả năng cạnh tranh ổn định.

Trong khi các tổ chức có thể không có thẩm quyền để cấm hay hạn chế cộng đồng sử dụng Tiktok thì để hạn chế cộng đồng tham gia vào những thử thách nguy hiểm trên TikTok, các chuyên gia, tổ chức y tế và các cơ quan liên quan tại nhiều nước trên thế giới cũng đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị. Tại Mỹ, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA đã phải ra cảnh báo về hệ lụy nghiêm trọng của Thử thách Benadryl, lưu ý đến các tác dụng phụ nghiêm trọng của việc tiêu thụ quá nhiều diphenhydramine bao gồm các vấn đề về tim, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.

CDC Mỹ cũng đã phải công bố danh sách các dấu hiệu có thể cho thấy ai đó đang thực hiện thử thách bất tỉnh như: Đôi mắt đỏ ngầu, có dấu vết trên cổ, sau khi tỉnh người đó nhức đầu dữ dội và cảm thấy mất phương hướng. CDC trích lời tiến sĩ Robin L. Toblin cho biết: "Bởi vì hầu hết các bậc cha mẹ trong nghiên cứu chưa từng nghe nói về trò chơi bất tỉnh, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về thử thách này cho các bậc cha mẹ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà giáo dục để họ có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. Điều này đặc biệt quan trọng vì bản thân trẻ em có thể không đánh giá cao sự nguy hiểm của hoạt động này."

Tại khu vực West Hartford, Mỹ, các trường công lập và lực lượng cảnh sát cũng đã ra cảnh báo về trào lưu tham gia thử thách Orbeez - dùng súng đồ chơi bắn các hạt thủy tinh ngậm nước Orbeez vào người đi đường. Trò chơi này có thể gây ra thương tích đáng kể cho đối tượng bị nhắm vào. Nhà trường đã gửi thông báo nhắc nhở phụ huynh rằng những vật dụng này không thuộc về khuôn viên trường học và lực lương cảnh sát cho biết những người liên quan đến việc tham gia trò chơi này có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Có thể thấy các trào lưu độc hại trên Tiktok dường như là không giới hạn và tất cả cộng đồng đang tham gia để ngăn chặn những tác hại này. Trong khi việc sử dụng mạng xã hội trong thời đại số có thể là một xu thế quan trọng thì bản thân người dùng và cộng đồng cũng cần tự nhận thức được các mặt lợi và hại để có cách ứng xử phù hợp.

Bài 5: Nâng cao "sức đề kháng" trong nhận thức người sử dụng TikTok



An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ