• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ban hành Luật Đăng ký tài sản: Lợi ích "kép"

Thời sự 14/01/2021 11:20

(Tổ Quốc) - Nhiều vị Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đưa ra ý kiến về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản tại phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khó quy định toàn dân phải đăng ký tất cả tài sản

Thông tin về tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng gần đây đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, để thu hồi được tài sản nham nhũng cần phải triển khai đồng bộ. Theo đó, cần ban hành Luật Đăng ký tài sản và coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.

Ban hành Luật Đăng ký tài sản: Lợi ích "kép" - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Ông Lê Minh Trí cho biết, cơ sở để đưa ra đề xuất như vậy là do hiện nay việc kê khai tài sản chỉ thực hiện ở trong hệ thống chính trị. Trong đó đó, khi một cán bộ đã tham nhũng thì sẽ không bao giờ tự mình đứng tên tài sản mà mình tham nhũng. "Có những người mới 20-30 tuổi đã đứng tên tài sản trăm, nghìn tỷ, tất cả biết hết nhưng không xử lý được vì liên quan đến quyền sở hữu công dân" - ông Trí nói.

Nói về đề xuất này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đề xuất của Viện trưởng Lê Minh Trí là rất tốt vì đích đến sẽ là không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, một điều băn khoăn là liệu có cơ sở pháp lý để xây dựng luật.

ĐB Hòa dẫn chứng từ Bộ luật Dân sự hiện hành đó là, chỉ có tài sản là đất đai thì mới bắt buộc phải đăng ký. Còn những tài sản là "động sản" thì không phải đăng ký trừ một số loại được đặc biệt được quy định riêng như: phương tiện giao thông hay cổ vật, bảo vật. Như vậy, đối với những tài sản như: tiền, vàng…thì không cần phải đăng ký. Nếu bây giờ quy định mọi công dân phải đăng ký đối với tất cả tài sản của mình là rất khó.

Cho rằng "Trước mắt phải thực hiện cho nghiêm Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bởi, những người có chức vụ quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng, bây giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản của toàn dân e rằng rất khó", tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm vẫn cần phải nghiên cứu, bàn thảo đề xuất trên.

Mang lại lợi ích "kép"

Nói về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực tế trên thế giới nhiều nước đã kiểm soát không chỉ là đối với riêng tài sản của cán bộ, công chức mà còn của cả công dân. Đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, tài sản được bảo vệ bí mật, và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ.

Ban hành Luật Đăng ký tài sản: Lợi ích "kép" - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

"Trên thực tế, có nhiều người có tài sản lớn nhưng không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản" - ông Bùi Văn Xuyền nói.

Cũng theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền, điều này nảy sinh vấn đề các tài sản hình thành từ việc làm không hợp pháp (tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu…) sẽ được đổ vào bất động sản, vàng thì sẽ trở thành những tài sản hợp pháp. Đây chính là "kẽ hở" khiến cơ quan chức năng khó xử lý tài sản bất minh.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH Ninh Bình), cho rằng, việc đăng ký tài sản sẽ mang lại lợi ích "kép", vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho tài sản cũng như chủ sở hữu tài sản. Không những vậy, việc đăng ký tài sản còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng.

"Trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định về đăng ký tài sản, người đăng ký tài sản phải chứng minh nguồn gốc, nếu không chứng minh được thì tài sản sẽ bị điều tra hoặc tịch thu. Nếu làm được như vậy thì sẽ không còn đất cho tài sản tham nhũng cất giấu kể cả hình thức sang tên, chuyển nhượng" - ĐB Bùi Văn Phương nêu quan điểm.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ