(Tổ Quốc) - Nga và Trung Quốc liên tục tỏ ra phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.
Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử các thiết bị quân sự mới và tập trận bắn đạn thật trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Quân đội Mỹ vừa bắt đầu chuyển các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc.
Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử các thiết bị quân sự mới và tập trận bắn đạn thật. Ảnh:scmp |
Theo Yonhap, các xe tải chở các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối đã vào tới khu vực trước kia từng là một sân golf ở Seongju ở khu vực phía Nam Hàn Quốc.
Ngày 27/4, trong một động thái được cho nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành 5 cuộc tập trận bắn đạn thật và thử các thiết bị quân sự mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.
Hàn Quốc cũng cho biết việc triển khai THAAD vẫn diễn ra thuận lợi, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước cũng như từ nước láng giềng Trung Quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi cùng ngày Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt nhanh chóng nhằm vào Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng có thêm hành động khiêu khích.
Phản ứng từ Trung - Nga
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cho rằng, Trung Quốc phản đối việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc và nhấn mạnh tính bất ổn tại khu vực.
“Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai cuộc tập trận bắn đạn thật và thử các thiết bị vũ khí mới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, hòa bình và ổn định khu vực”, ông Yang Yujun nhấn mạnh.
Các nhận định của ông Yang diễn ra trong bối cảnh Mỹ bắt đầu di chuyển hệ thống THAAD đến Hàn Quốc.
Nhà phân tích quân sự Bắc Kinh Li Jie nói rằng, các tuyên bố của ông Yang dường như muốn bộc lộ ngụ ý rằng, Trung Quốc sẽ có các biện pháp bao gồm cả kỹ năng cứng và mềm nhằm phản đối việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ và Hàn Quốc.
“Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa tầm trung giống như một biện pháp cứng rằn trong trường hợp chiến tranh có thể xảy ra. Về kỹ năng mềm, Bắc Kinh có thể sử dụng đầu dò điện từ cũng như các công nghệ can thiệp điện tử nhằm ngăn chặn hệ thống radar hiện đại của THAAD”, ông Li nói.
Phía Seoul cho rằng, hệ thống chống tên lửa là cần thiết trong bối cảnh Triều Tiên liên tục gây áp lực cho Hàn Quốc.
Tuyên bố của ông Yang đến sau khi quân sự Trung Quốc và Nga tổ chức cuộc họp lần thứ ba xung quanh vấn đề hệ thống chống tên lửa tại Moscow. Hai bên đã lặp lại quan điểm phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại khu vực.
“Thông điệp của Nga và Trung Quốc đã quá rõ ràng. Họ liên tục bộc lộ quan điểm phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc”, ông Li nói.
Thêm vào đó, trong tháng này, Viktor Gumyonny - Chỉ huy lực lượng phòng không Nga nói với truyền thông rằng, Nga đã có kế hoạch sẽ tiếp nhận mẫu đầu tiên của hệ thống phòng thủ Almaz Antey S-500 trong tương lai gần. Trong khi đó, hệ thống phòng không S-350 Vityaz vẫn được thử nghiệm nhằm thay thế “rồng lửa” S-300PS.
“Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có trong tay hệ thống phòng không S-500”, ông Viktor Gumyononny, tổng chỉ huy lực lượng phòng không của Không quân Nga, trả lời hãng tin TASS. Hệ thống S-500 được cho là bao phủ toàn bộ độ cao 200 km từ mặt đất và có thể tiêu diệt mọi tên lửa đạn đạo từ vũ trụ với bán kính kiểm soát 645 km.
Zhou Chenming, viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Knowfar cho rằng, cuộc họp giữa Trung Quốc và Nga tập trung vào các giải pháp đối mặt với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và cảnh báo Nhật Bản – Đài Loan không liên can vào việc triển khai hệ thống THAAD.
Nhật Bản hiện đang cân nhắc trở thành đồng minh Mỹ thứ hai tại châu Á giữa bối cảnh căng thẳng leo thang của Triều Tiên.
(Theo scmp)