• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bàn tròn quốc phòng châu Âu tạo thế đối đầu rắn Trung, Mỹ?

Thế giới 14/02/2019 17:21

(Tổ Quốc) - Những quan chức cấp cao theo đường lối cứng rắn của Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng có mặt tại một hội nghị an ninh ở Munich, Đức.

Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ và Trung Quốc đang cử những quan chức cấp cao có đường lối cứng rắn tới châu Âu tới tham dự Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 15-17/2 tại Munich. Đây được coi là động thái mang tính biểu dương sức mạnh giữa hai cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng và thống trị, tại một trong những sự kiện thường niên uy tín bậc nhất của cộng đồng quốc phòng xuyên đại tây dương.

Dẫn đầu đoàn Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì. Là cựu đại sứ tại Mỹ, ông Dương còn được biết tới nhờ những lời lẽ mang tính công kích về tình trạng Đài Loan và một số vấn đề nhạy cảm khác đối với Bắc Kinh. Ông cũng được kỳ vọng là người đại diện cho Bắc Kinh, giúp đẩy lùi chiến dịch của chính phủ Mỹ - kêu gọi bỏ qua các công ty Trung Quốc, đặc biệt là gã khổng lồ công nghệ Huawei, trong các dự án xây dựng mạng lưới 5G châu Âu.

Bàn tròn quốc phòng châu Âu tạo thế đối đầu rắn Trung, Mỹ? - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì

Phái đoàn Mỹ gồm các thành viên hai Đảng do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu, có thể sẽ là đoàn có quy mô kỷ lục tại hội nghị Munich lần này. Tháng 10/2018, ông Pence từng khiến Bắc Kinh ngạc nhiên với bài phát biểu mang đậm phong cách Chiến tranh lạnh, trong đó, ông cáo buộc Trung Quốc "lừa đảo" trong các luật lệ thương mại, tình báo doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ…, để tìm cách nắm quyền kiểm soát "90% công nghệ tối tân của thế giới" và thống trị về mặt quân sự.

"Đó là một thời điểm lớn và khá gây lo lắng về mặt biểu tượng", Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học King's College, London nhận định. Ông đánh giá, mối quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng cạnh tranh và rất khó để kiểm soát bởi vì hai bên có những mục tiêu cơ bản đối ngược nhau.

"Mỹ không muốn mất đi vị trí số một toàn cầu và Trung Quốc thì đang trở thành quốc gia số một", ông Brown nói.

Tại châu Âu, những quan ngại xung quanh chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Donald Trump, đang không ngừng mở rộng. "Chính sách Mỹ ngày càng giống như các bài tweet của ông Trump", một báo cáo công bố trước thềm hội nghị Munich chỉ ra.

Mỹ không muốn mất đi vị trí số một toàn cầu và Trung Quốc thì đang trở thành quốc gia số một.

Kerry Brown

Trong một cuộc thăm dò ý kiến tại Anh, Canada, Pháp, Đức, Nga và Nhật Bản., trước câu hỏi, ảnh hưởng của Mỹ hay Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn, người dân tất cả các nước tham gia trả lời – ngoại trừ Nhật Bản, đều cho rằng Mỹ "đáng lo" hơn.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh tuần này đang có nhiều dấu hiệu tiến triển tích cực; và ông Trump thậm chí đã ám chỉ sẽ gia hạn thời điểm cuối (ngay 1/3) cho việc áp dụng mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc, có khả năng hai bên sẽ cùng "hạ giọng" trong thời gian tại hội nghị Munich.

Mặc dù vậy, theo ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế đại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, những tháng gần đây, Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng kiên quyết khi đáp trả lại những chỉ trích. Ông Dương Khiết Trì được cho là gần như chắc chắn sẽ thể hiện một lập trường cứng rắn, ít nhất là trước dư luận.

"Trung Quốc và Mỹ đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn căng thẳng", ông Shi nhận xét.

Ngoại trưởng Mike Pompeo là một quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đang có mặt tại châu Âu tuần này – với hy vọng có thể làm ấm lại những quan hệ đồng minh từng bị bỏ quên và đang rơi vào ảnh hưởng từ phía Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây.

Tại Hungary, ông Pompeo cảnh báo, việc tích hợp thiết bị Trung Quốc vào "các hệ thống quan trọng của Mỹ" sẽ khiến các nước khó khăn hơn khi tiếp tục hợp tác với Washington. "Nhiệm vụ của chúng tôi là khiến họ nhận thức được những lo ngại và nguy cơ, đồng thời cung cấp cho họ dữ liệu", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại thủ đô Bratislava, Slovakia – khi được hỏi về ông sẽ nói gì với các quốc gia châu Âu về việc sử dụng các thiết bị do Huawei sản xuất.

Huawei là một yếu tố quan trọng trong những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington liên tục cảnh báo tập đoàn Trung Quốc đóng vai trò gián điệp cho chính phủ. Còn Bắc Kinh phản bác đó chỉ là chiêu bài của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Có vẻ như Mỹ cũng đã đạt được một số thành công khi thuyết phục các đồng minh về trường hợp Huawei. Châu Âu đang bị chia rẽ và một vài nước cũng đã bày tỏ những quan ngại về an ninh. Tuy nhiên, các vấn đề chi phí và vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung cấp cho một số đối thủ của Huawei, đồng nghĩa với việc, bỏ qua Trung Quốc trong mạng lưới 5G châu Âu, sẽ là một nước cờ mạo hiểm cho các bên liên quan.

Cuộc chạy đua 5G không chỉ là về chia sẻ thị phần thương mại Mỹ, mà đó là nỗ lực giảm nhẹ năng lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ.

James L. Jones

Trong một bài viết cho Hội đồng Đại Tây Dương hôm 11/2, Tướng Mỹ James L. Jones nhận định, cuộc chạy đua 5G "đã được nâng tới tầm quan trọng của các dự án lớn như Dự án Manhattan (xây dựng bom nguyên tử) và những nỗ lực 'đưa người lên mặt trăng' trong thế kỷ 20". Ông Jones từng đảm nhận chức vụ Tư lệnh tối cao NATO và Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Barack Obama.

"Cuộc chạy đua 5G không chỉ là về chia sẻ thị phần thương mại Mỹ", cựu Tư lệnh viết; "mà đó là nỗ lực giảm nhẹ năng lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ