(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh giá cả tăng vọt, hàng triệu công dân Bangladesh đã tìm kiếm mọi sự giúp đỡ để tồn tại.
Chi tiêu ít hơn để sinh tồn
Akther – một người dân Bangladesh nói với DW: "Chúng tôi đã quyết định ăn ít hơn để tồn tại trong thời kỳ khó khăn này. Từ tiền thuê nhà đến giá dầu ăn, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng".
"Con trai duy nhất của chúng tôi đã không cắt tóc kể từ năm ngoái và chúng tôi cũng không mua bất cứ thứ gì mới kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây hai năm", bà nói thêm.
Tawsia Tajmim là một cư dân khác của thủ đô Dhaka, Bangladesh - siêu đô thị với hơn 10 triệu dân thường đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, cũng cảm thấy sức ép của giá hàng hóa tăng cao trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
"Tôi đã ngừng sử dụng Uber và tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng để điều chỉnh chi phí đi lại. Số lượng người ăn xin cũng ngày càng gia tăng trên đường phố", bà chia sẻ với DW và nói thêm "Nền kinh tế của chúng tôi đang trở nên yếu hơn từng ngày, và kết quả là những người nghèo cũng như những người thuộc tầng lớp trung lưu thấp hơn phải hứng chịu nhiều thiệt hại nhất".
Lạm phát tăng đến mức không bền vững
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Bangladesh sẽ tăng lên 5,9% trong năm 2022, do giá hàng hóa quốc tế cao hơn.
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào cuối năm ngoái, ước tính đại dịch đã đẩy hơn 32 triệu người vào cảnh nghèo đói. Nhiều người đổ lỗi cho chính phủ vì sự gia tăng đột biến những người sống dưới mức nghèo khổ.
Dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Bangladesh cho thấy lạm phát chung ở khu vực Nam Á trong tháng 2 đã leo lên mức 6,17% - cao nhất kể từ tháng 10/2020.
"Bangladesh nhập khẩu 95% dầu ăn từ nước ngoài. Trước giá dầu ăn mỗi thùng là 700 đô la Mỹ (629 euro); nó đã tăng lên 1.940 đô la sau tháng 2", Mohammad Ali Bhutta, một nhà nhập khẩu dầu ăn của Bangladesh, nói với DW.
Bangladesh cũng đã tăng giá khí hóa lỏng (LPG) lên 12% trong tháng này để đối phó với sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. LPG đang là loại nhiên liệu được nhiều hộ gia đình trên khắp nước này sử dụng.
Chính phủ hỗ trợ 10 triệu gia đình
Chính phủ Bangladesh nói rằng việc tăng giá hàng tiêu dùng có liên quan đến thị trường quốc tế và nó sẽ không giảm cho đến khi thị trường toàn cầu ổn định trở lại.
"Do giá hàng hóa trên thị trường quốc tế tăng lên, nó cũng ảnh hưởng đến thị trường địa phương của chúng tôi. Chính quyền đã và đang cung cấp một số mặt hàng tiêu dùng với giá ưu đãi cho những người đang gặp khó khăn với tình hình lạm phát" Tipu Munshi, Bộ trưởng Thương mại Bangladesh, nói với tờ DW.
Tổng công ty Thương mại Bangladesh (TCB) đang phụ trách cung cấp hàng hóa với giá hỗ trợ cho người dân nghèo ở quốc gia Nam Á này. Tháng trước, Dhaka đã thông báo mở rộng diện hỗ trợ cho 10 triệu gia đình có thu nhập thấp, trong tổng số 35 triệu gia đình của nước này.
"Chúng tôi đang bán dầu ăn, đường, đậu lăng và hành tây với giá ưu đãi trên toàn quốc", Humayun Kabir, giám đốc của TCB, nói với tờ DW. "1,2 triệu gia đình ở Dhaka và 8,8 triệu ở nơi khác sẽ nhận được khoản hỗ trợ này cho đến tháng 4 năm nay."
Chính phủ cần hành động quyết liệt
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cung cấp hàng tiêu dùng cho các gia đình có thu nhập thấp với mức giá thấp sẽ chỉ giúp ích trong thời gian ngắn.
"Sản lượng gạo của chúng tôi năm nay rất cao. Tuy nhiên, giá của nó đã cao hơn mà không có bất kỳ lý do hợp lý nào", bà Nazneen Ahmed (một nhà kinh tế học) nói với tờ DW. "Chính phủ phải đóng một vai trò cốt lõi ở đây để kiểm soát thị trường."
Nhà kinh tế học Mustafizur Rahman cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng chính phủ nên soạn thảo một kế hoạch dài hạn để giữ cho thị trường bình ổn trước những đợt tăng giá.
"Cần có một cơ chế giám sát để ngăn chặn những doanh nhân vô đạo đức, những người có xu hướng trục lợi từ lạm phát. Các cơ quan chính phủ nên cùng nhau hành động để xử lý vấn đề này", Rahman nói với tờ DW.
Sau những lời kêu gọi từ các chính đảng cánh tả, hàng nghìn người đã xuống đường trên khắp Bangladesh trong tuần này để phản đối việc tăng giá. Họ yêu cầu "hiệp hội kinh doanh" phải bị phá bỏ và kêu gọi chính phủ kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu cũng như phát thẻ suất ăn cho những người có nhu cầu.