(Tổ Quốc) - Hầu như mỗi năm mới ở Nhật Bản, số người được đưa đi cấp cứu vì ăn bánh gạo nướng và mochi dẻo lại tăng đột biến. Tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm hơn 80%.
Nhật Bản có phong tục ăn mochi trong dịp năm mới, trong đó món truyền thống là Yakimochi (bánh gạo nướng Nhật Bản).
Nhưng theo khảo sát, hằng năm, Nhật Bản có rất nhiều trường hợp tử vong vì ăn mochi, đặc biệt là món bánh gạo nướng.
Bánh gạo nướng Nhật Bản là một trong những kết quả của nền văn hóa trồng lúa ở Châu Á. Mặc dù cách ăn bánh gạo nếp hơi khác nhau ở các quốc gia, như chiên, hấp, nướng… nhưng đều không thể tránh khỏi đặc điểm: Dính!
Bánh gạo nướng Nhật Bản - kẻ sát nhân thầm lặng
Bánh gạo nướng Nhật Bản xem “dính” là tiêu chuẩn bán hàng và độ ngon. Ăn bánh gạo nướng mà không thể kéo dài thành sợi thì năm mới không có linh hồn.
Mochi Nhật Bản được làm từ gạo nếp nguyên chất, có độ dính cao hơn nhiều so với bánh nếp thông thường. Cùng với quá trình tác động nghiền và nhào "dữ dội" từ người thợ, bánh gạo trở nên dính và dẻo hơn, thậm chí còn có tính đàn hồi khi kéo giãn.
Nhưng cũng chính đặc tính này, mochi Nhật Bản trở thành mối nguy hiểm không thể ngờ. Hàng năm, mochi đã cướp đi không ít mạng người, đặc biệt là dịp năm mới.
Bất kể ăn món gì cũng đều có khả năng bị nghẹn. Mỗi năm đều có vô số người tử vong vì ngạt thở bởi hóc nghẹn thức ăn. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ một “sai lầm” trong sự tiến hóa của con người - đường hô hấp và đường tiêu hóa của chúng ta cùng có một lối vào. Để ngăn thức ăn trôi lạc vào đường hô hấp, nắp thanh quản sẽ đóng lại.
Nhưng sự hiện diện của sự nắp thanh quản cũng chỉ là một biện pháp khắc phục. Nếu nuốt không đúng cách, thức ăn vẫn sẽ bị mắc kẹt trong khí quản. Không thể loại bỏ các dị vật kịp thời, không khí không thể lưu thông vào phổi, dẫn đến ngạt thở do thiếu oxy.
Vì vậy, ngạt chết do ăn uống là một quá trình diễn ra rất nhanh chóng. Oxy vốn được lưu trữ trong máu và phổi cũng chỉ có thể duy trì tính mạng của nạn nhân trong vài phút. Nhiều người còn chưa kịp được đưa đến bệnh viện cấp cứu đã phải bỏ mạng.
Số người tử vong vì ngạt thở khi ăn uống ở Nhật Bản mỗi năm còn cao hơn cả số người chết vì tai nạn giao thông.
Năm 2016, theo số liệu do Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản công bố năm 2017, Nhật Bản có 3.902 người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số người chết do ngạt thở bởi thức ăn là hơn 4.000 người, trong đó người cao tuổi chiếm đa số.
Như chúng ta đã biết, Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề lão hóa tồi tệ nhất trên thế giới. Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đến năm 2019, nhóm người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đã chiếm 28,4% tổng dân số.
Do đó, số người chết vì hóc nghẹn thức ăn cũng tăng vọt khi Nhật Bản già hóa dân số ngày càng tăng. Ở Nhật Bản trong 10 qua, số ca tử vong do ngạt thở thực phẩm đã tăng gấp 1,2 lần.
Trong đó, bánh gạo nướng Nhật Bản nói riêng và mochi nói chung, chính là món ăn gây ra nhiều tai nạn ngạt thở nhất.
Đầu tiên, cắn một miếng bánh gạo nướng cần một lực nhai đáng kể. Thứ hai, bánh gạo nướng thường được thưởng thức khi còn nóng hổi. Song, quá trình nhai sẽ làm bánh bị cứng lại do nhiệt độ giảm. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến phản xạ nuốt, dễ dàng dẫn đến hành vi nuốt trong khi bánh vẫn chưa được nghiền nhỏ.
Hơn nữa, các khối bánh gạo nướng có kích thường khá lớn. Nhưng đáng sợ hơn, bánh gạo rất dính, dễ bám vào khí quản, từ đó gây ra hiện tượng ngạt thở và cấp cứu cũng khó khăn hơn.
Năm 1998, 80 sở cứu hỏa Nhật Bản đã thực hiện tổng cộng 810 lần cứu hộ liên quan đến ngạt thở ăn uống.
Trong đó có 150 trường hợp là bánh gạo nướng, 82 trường hợp là cơm dẻo, 73 trường hợp là rau củ quả và 60 trường hợp là đồ ăn nhẹ (không bao gồm bánh kẹo).
Tất nhiên, để đánh giá nguy cơ ngạt chết của một loại thực phẩm, không chỉ phụ thuộc vào số ca tử vong mà nó gây ra, mà còn xem xét tần suất tiêu thụ của nó.
Ở Nhật Bản, mochi là một món ăn cực kỳ phổ biến và cách ăn của loại thực phẩm này cũng phong phú không kém. Theo thống kê, trung bình mỗi người Nhật ăn 1kg chỉ riêng bánh gạo trung bình mỗi năm.
Biện pháp khắc phục “tính dễ mắc nghẹn” của bánh gạo nướng Nhật Bản
Người cao tuổi là nhóm người tôn trọng phong tục truyền thống nhất. Với suy nghĩ "không ăn bánh gạo nướng thì không thể đón năm mới". Lượng bánh gạo được người lớn tuổi tiêu thụ cũng nhiều hơn.
Hầu như mỗi năm mới ở Nhật Bản, số người được đưa đi cấp cứu vì ăn bánh gạo nướng và mochi dẻo lại tăng đột biến. Tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm hơn 80%.
Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức cộng đồng thường xuyên thực hiện hoạt động tuyên truyền, kêu gọi người dân (đặc biệt là người cao tuổi) không ăn mochi một mình và dặn dò cụ thể bánh gạo nướng cần phải được cắt thành miếng nhỏ trước khi ăn, nhai chậm.
Một số công ty Nhật Bản đang cố gắng sản xuất và quảng bá một số loại bánh gạo dẻo an toàn với mục đích làm giảm tình trạng mắc nghẹn khi ăn. Loại bánh gạo này chứa một loại enzyme, có thể làm giảm độ dính trong khi vẫn giữ được hương thơm gạo nếp quen thuộc nhất.
Ngoài ra, nhắm vào tình trạng khó nhai nuốt ở người cao tuổi, người Nhật đã phát minh ra một loại thực phẩm được gọi là "Engay", có nghĩa là thực phẩm dễ nuốt.
Cách làm là nghiền nát thực phẩm, lại sử dụng chất kết dính đặc thù giúp những loại thực phẩm này tái tạo hình dạng, hương vị vẫn được đảm bảo, nhưng dễ nuốt hơn. Người cao tuổi ở Nhật ngày càng nhiều, vì vậy loại thực phẩm này được xem là "thực phẩm tương lai của Nhật Bản".
Ngoài việc tạo ra thực phẩm dễ nuốt hơn, việc tập trung vào các phương pháp cấp cứu cũng vô cùng cần thiết.
Vì ngạt thở do ăn bánh gạo nướng phổ biến như vậy, người dân Nhật Bản xuất hiện các loại phương pháp sơ cứu “không thể tưởng tượng nổi”.
Vào dịp năm mới 2001, một cụ ông Nhật Bản 70 tuổi đột nhiên bị mắc nghẹn khi đang ăn bánh gạo nướng. Gia đình cố gắng sử dụng ngón tay để móc bánh dính vào cổ họng cụ ông ra, nhưng không thành công.
Sắc mặt cụ ông trở nên tím tái, hít thở không thông, người con gái đã vội vàng cầm lấy ống máy hút bụi, điều chỉnh đến tốc độ tối đa, rồi hút bánh trong cổ họng ra. Biện pháp này đã thành công.
Sau đó, chuyên gia cũng đồng ý rằng việc sử dụng máy hút bụi có thể là một cách hiệu quả để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Một số nhà sản xuất thiết bị y tế thậm chí còn phát minh ra một đầu hút đặc biệt có thể được kết nối với máy hút bụi gia đình.
Bên cạnh đó, phương pháp can thiệp khi một người bị hóc nghẹn có lẽ là vòng tay từ đằng sau nạn nhân rồi ép mạnh vào vị trí trên rốn và dưới xương ức cho đến khi dị vật văng ra ngoài.
Song vì bánh gạo nướng nói riêng và mochi nói chung có tính dẻo, dính vào cổ họng nên phương pháp này ít thành công hơn. Đó là lý do người Nhật phát minh ra nhiều phương pháp sơ cứu hóc nghẹn độc đáo.
(Nguồn: Thepaper)