• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo động nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí

Văn hoá 09/11/2020 10:56

(Tổ Quốc) - Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, báo điện tử, mạng xã hội… thì vấn nạn vi phạm bản quyền trên các tác phẩm báo chí ngày càng tăng cao. Vấn đề này đã được nêu tại Diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra tại TP HCM hồi đầu tháng.

Tràn lan vi phạm

Theo TS. Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đánh giá, hiện nay pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được tôn trọng. Tuy nhiên tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến môi trường sáng tạo, đầu tư. Trong đó, vi phạm bản quyền tác giả ở lĩnh vực báo chí cũng là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc bởi sự vi phạm đang ở mức cao.

Báo động nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí - Ảnh 1.

Diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra tại TP HCM (ảnh laodong.vn)

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam. Chưa có số liệu thống kê kết quả xử lý chế tài. Hệ thống chế tài có cả 3 cơ chế: dân sự, hình sự, hành chính. Nhưng đến nay cũng không có số liệu báo cáo là thực thi ra sao, tăng hay giảm.

Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Thọ, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật TPHCM cho biết, hiện mỗi ngày báo sản xuất được khoảng 150-200 tin, bài, phóng sự ảnh, video, infographic, long-form…, xuất bản cả trên báo in lẫn báo điện tử. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link. Chưa kể, trên mạng Internet đã từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của Báo Pháp Luật TPHCM; những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của báo.

Nhà báo Đinh Đức Thọ cho biết, "đau đầu" nhất là những trang web, tài khoản mạng xã hội "3 không": không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Họ trắng trợn tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.

Đối với những đơn vị "mạnh" như VTV, việc xử lý những vụ việc vi phạm bản quyền dường như thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, VTV đã yêu cầu 2 công ty bồi thường 500 triệu đồng vì khai thác trái phép phim "Bí thư Tỉnh ủy" và "Chạy án". Ngay đầu năm 2020, VTV cũng yêu cầu một công ty truyền thông bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do khai thác trái phép chương trình của VTV trên YouTube…

Cần một liên minh bảo vệ

Tuy nhiên, để một cơ quan báo chí có thể tự mình yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền như VTV không phải là chuyện đơn giản. Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cái khó hiện nay không phải phát hiện, mà là xử lý vi phạm bản quyền. Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả các chuyên gia pháp lý dành thời gian để xử lý việc này.

Báo động nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí - Ảnh 2.

Các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định của pháp luật (ảnh minh họa VGP)

Do đó, theo ông Lê Quang Tự Do, cần tiến tới hình thành một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, trước tiên các báo cần chấm dứt lấy nội dung của nhau, ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau.

Đồng thời với việc tự nguyện, tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí tham gia Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp "ra tay" thực thi nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế đô thị cũng ủng hộ đề xuất lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để bảo vệ quyền lợi một cách chuyên nghiệp. Theo ông Đức, một cơ quan báo chí nếu lập tổ bảo vệ bản quyền thì phải chi lương, bố trí nhân sự để thực hiện việc này thì không xuể. Có thể là Cục Báo chí Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, hoặc Hội Nhà báo có thể đứng ra thành lập trung tâm này. Các cơ quan báo chí muốn được bảo vệ thì đóng phí, ủy quyền để trung tâm thực hiện bảo vệ bản quyền.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, thực trạng vi phạm bản quyền có một phần nguyên nhân từ lịch sử. Trước đây số lượng báo chí rất ít, chủ yếu là báo in. Phát thanh truyền hình chủ yếu là cơ quan nhà nước và được bao cấp hoàn toàn. Do đó, hình thành nên quan niệm được quyền chia sẻ thông tin của nhau.

Ngoài ra, các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử phát triển nhanh chóng, có những ứng dụng giúp thực hiện việc sao chép một cách nhanh chóng. Và chính cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, trước hết các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định của pháp luật. "Liên minh" này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ, phát triển mạng xã hội… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi.

"Phải nâng cao nhận thức về quyền, bảo vệ quyền chính đáng. Cơ quan báo chí phải xem bảo vệ tác quyền là vấn đề quan trọng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị"- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ