(Tổ Quốc) - Nhiều trường học và một số nhà máy điện than đã bị đóng cửa khi thủ đô New Delhi của Ấn Độ chìm trong khói bụi.
Chính quyền Ấn Độ đang cân nhắc xem liệu có cần đưa New Delhi vào tình trạng đóng cửa hay không khi một lớp khói xám dày đặc tiếp tục bao trùm thành phố, đặc biệt là vào buổi sáng. Vào tối ngày 16/11, văn bản hướng dẫn đã được ban hành để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và cho người dân thấy rằng chính phủ đang hành động để kiểm soát cuộc khủng hoảng môi trường tại thủ đô nước này nhiều năm qua.
Bên cạnh việc đóng cửa các trường học, Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí đã ra lệnh ngừng các hoạt động xây dựng cho đến ngày 21/11 và cấm các xe tải chở hàng hóa không thiết yếu. Văn bản cũng đề nghị các bang "khuyến khích" một nửa số nhân viên ở tất cả các văn phòng tư nhân làm việc tại nhà.
Dù có một số tín hiệu cải thiện về chất lượng không khí ở New Delhi trong hai ngày qua, chỉ số các hạt nguy hiểm cho sức khỏe ngày 17/11 vẫn cao gấp bảy lần mức an toàn, lên trên 300 microgam/m3 ở một số khu vực của thành phố.
Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo rằng chất lượng không khí ở sẽ tiếp tục xấu đi trước khi những đợt gió lạnh xuất hiện vào tuần tới có thể thổi bay sương mù.
Đầu tháng này, chất lượng không khí ở New Delhi đã ở mức "nghiêm trọng" và người dân phải đối mặt với các đợt ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày. Tòa án tối cao Ấn Độ đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc vào tuần trước, yêu cầu các chính phủ liên bang và tiểu bang thực hiện các biện pháp "khẩn cấp" để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm này.
Cuộc khủng hoảng ô nhiễm này trầm trọng hơn vào mùa đông khi việc đốt tàn dư cây trồng ở các bang lân cận giữa thời tiết lạnh khiến khói được lưu giữ trong nhiều ngày. Làn khói đó bay đến New Delhi và dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng ở thành phố hơn 20 triệu dân. Khí thải từ các ngành công nghiệp không có công nghệ kiểm soát ô nhiễm, ô nhiễm từ pháo nổ trong các lễ hội và bụi xây dựng cũng tăng mạnh trong những tháng mùa đông.
Một số nghiên cứu đã ước tính rằng hơn một triệu người Ấn Độ chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.