• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bão Idlib hạ nhiệt: “Trút gánh nặng” Thổ Nhĩ Kỳ từ đồng thuận bất ngờ của Nga

Thế giới 18/09/2018 14:40

(Tổ Quốc) - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra tín hiệu cảnh báo về khủng hoảng tại Idlib, Syria đồng thời thông qua thỏa thuận kế hoạch tạm “hoãn binh”.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới nỗ lực khu vực giảm leo thang

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa  thông qua nỗ lực thiết lập khu vực phi quân sự nhằm tránh gây nên bùng nổ xung đột giữa lực lượng nổi dậy và quân đội chính phủ Syria.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin trong cuộc gặp tại Sochi vào ngày 17/9. Ảnh:AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Erdogan đã tham gia cuộc họp báo chung sau nhiều tuần căng thẳng về vấn đề Idlib và nhiều cảnh báo cho nguy cơ cho một thảm họa tại khu vực Ildib – thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy.

Theo thông tin của Liên Hợp Quốc, Idlib thuộc khu vực phía Tây Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và là thành trì của hàng nghìn lực lượng nổi dậy và khoảng 3 triệu dân thường. Các tổ chức viện trợ cho biết, họ lo sợ một cuộc tấn công do quân đội Syria với sự hậu thuẫn của Nga có thể gây ra thảm họa và khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

“Người dân Idlib sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu họ biết rằng sẽ ít phải đối mặt hơn với cuộc tấn công. Điều này được xem như một chiến thắng về ngoại giao và cũng là điều Syria cần tìm cách để giải quyết khủng hoảng này”, ông Lorraine Bramwell, Giám đốc Ủy ban cứu nạn quốc tế tại Syria cho biết trong một tuyên bố ngày 17/9.

Các thông tin chi tiết cho thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn chưa được công bố chính thức vào ngày 17/9. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết, khu vực Idlib sẽ cần phải có một tính toán kỹ lưỡng vào hạn chót là ngày 15/10. Cả hai nhà lãnh đạo cho biết, khu vực sẽ giảm tải các vũ khí hạng nặng và yếu tố cực đoan của lực lượng nổi dậy, trong đó có phiến quân al-Qaeda. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn giám sát chặt chẽ điều này.

Hàng trăm nghìn người tại Syria liên tục thương vong kể từ cuộc nội chiến Syria năm 2011 khiến cho Syria rơi vào chiến tranh và tranh giành giữa các siêu cường. Nga – đồng minh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã hậu thuẫn Syria trong cuộc chiến đối phó với lực lượng nổi dậy tại đây.

“Khu vực do phe đối lập kiểm soát phải tiến tới phi quân sự”, Tổng thống Erdogan nói với báo chí tại thị trấn Sochi, Nga trong cuộc gặp với Tổng thống Putin.

“Tuy nhiên, cùng với Nga, chúng ta sẽ nỗ lực xóa sạch bóng dáng khủng bố tại đây”, ông Erdogan cho biết.

Tín hiệu giảm leo thang căng thẳng với Mỹ?

Idlib là khu vực chiến lược quan trọng cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước đều muốn tiêu diệt phe đối lập Syria và giúp chính phủ chiếm lại lãnh thổ và thuyết phục châu Âu và các siêu cường khác nhằm tái thiết đất nước. Tiếp sau đó là nỗ lực đảm bảo cho vòng đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn ngăn chặn dòng người tị nạn vào lãnh thổ nước này gây bất ổn cho khu vực ảnh hưởng.

Giới quan sát đặt ra nghi ngờ về việc nổi dậy của lực lượng phiến quân và quá trình tiến tới việc từ bỏ vũ khí hạng nặng sẽ diễn ra như thế nào.

Kế hoạch này cũng đặt ra yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ có thể loại bỏ và cô lập lực lượng phiến quân IS. Từ đầu năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai binh lính và trang thiết bị quân sự đến Idlib trong bối cảnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ định đây là khu vực cần phải giảm leo thang.

Tuy nhiên, hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn 12 trạm giám sát tại Idlib nhằm tránh xung đột đỉnh điểm với lực lượng phiến quân.

“Cuộc tấn công tiêu diệt lực lượng Hayat Tahrir al-Sham hiện tại hoặc sau này sẽ giúp Tây Bắc Syria đi vào ổn định. Một cuộc chiến đẫm máu hoặc cuộc tấn công đáp trả bên trong Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn ra”, ông Sam Heller, một nhà phân tích cấp cao của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group cho biết.

“Đó là lý do tại sao người Thổ Nhĩ Kỳ muốn xúc tiến mạnh mẽ vị trí của họ. Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ đang rất khó khăn”, ông Sam Heller cho biết đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm hướng giải quyết phù hợp.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết, Tổng thống Erdogan đã từng có sự hậu thuẫn của châu Âu và Mỹ. Châu Âu cũng lo ngại cho một cuộc khủng hoảng di cư khác. Cùng với Mỹ, châu Âu luôn có phản ứng đáp trả gay gắt, đe dọa cho một cuộc tấn công Syria nếu chính phủ Syria tiến hành cuộc tấn công vũ khí hóa học tại đây.

Mỹ từng tuyên bố sẽ rút khỏi Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Syria mới đây James Jeffrey cho biết, Washington sẽ tiếp tục ở lại Syria nhằm loại bỏ Iran ra khỏi khu vực này.

“Nga chấp thuận việc trì hoãn tấn công được xem là một thành công trong tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện chính sách Washington cho biết.

“Điều này giúp Thổ Nhĩ Kỳ dễ thở hơn. Hiện tại, điều này sẽ giúp Ankara tránh khỏi khủng hoảng liên quan đến dòng người tị nạn. Điều đó cũng giúp cho Tổng thống Erdogan thúc đẩy quan hệ tín hiệu tốt hơn với Mỹ”, ông Soner Cagaptay nói thêm.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ