(Tổ Quốc) - Báo cáo tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện cho biết, cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử có công ty “sân sau” làm kinh tế, có lợi ích nhóm, “chống lưng” cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cũng như có hướng xử lý những trường hợp này.
Đoàn ĐBQH Đà Nẵng tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (Nguồn: quochoi.vn)
Dân trí dẫn báo cáo cho biết, với kiến nghị này, Ban Công tác đại biểu thể hiện sự chia sẻ với vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay mà cử tri đặt ra. Do vậy, trong những năm qua, Đảng luôn nhất quán chủ trương tăng cường, chỉnh đốn Đảng và coi trọng đổi mới công tác cán bộ.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 vừa qua, Đảng đã ban hành nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây sẽ là căn cứ quan trọng đế Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, triển khai thực hiện đổi mới công tác cán bộ, sửa đổi các luật có liên quan về công tác cán bộ, qua đó siết chặt kỷ cương, kỷ luật và làm trong sạch đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt được tinh thần nghị quyết nói trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, với sự giám sát Quốc hội, hội đồng nhân dân các địa phương, của nhân dân và cử tri cả nước. Ban Công tác đại biểu rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ dự báo tình hình tham nhũng năm 2019 sẽ tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh "tham nhũng vặt" thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích", doanh nghiệp "sân sau", "công ty gia đình"… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.
Vẫn theo báo cáo thẩm tra thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng, chống các vụ tham nhũng lớn, "nhóm lợi ích", "doanh nghiệp sân sau"…