• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế ca ngợi loạt lý do khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới

Thế giới 29/03/2020 09:44

(Tổ Quốc) - Mới đây trang DW của Đức đã có bài viết mang tựa đề "Việt Nam đang chiến thắng cuộc chiến chống virus corona như thế nào", trong đó bình luận về những nỗ lực của Việt Nam nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Báo Tổ Quốc xin trích dịch bài viết này.

Là một quốc gia đông dân số cạnh Trung Quốc, Việt Nam có một hệ thống y tế còn yếu và ngân sách thấp trong cuộc chiến chống lại virus corona. Vậy họ đã làm cách nào để giữ cho tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở mức thấp như vậy?

Trong bối cảnh đại dịch virus corona đang hoành hành ở các nước châu Âu – cách xa Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh tới 10.000 km, tình hình ở Việt Nam lại rất khác.

Chỉ riêng ở Đức, con số mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hơn 30.000 người đã bị nhiễm COVID-19 với ít nhất 149 người tử vong. Với đường biên giới dài hơn 1.100 km với Trung Quốc, nhưng Việt Nam chỉ có 134 ca nhiễm (vào thời điểm bài viết được trang DW đăng tải – biên tập viên) và chưa có một trường hợp tử vong nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1.

Ngay cả khi chúng ta nhìn vào những con số trên một cách cẩn trọng thì có một điều rõ ràng là Việt Nam đã làm rất tốt khi đối phó với virus corona mới.

Ngay từ kỳ nghỉ Tết Âm lịch vào cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh về "cuộc chiến" với virus corona cho dù vào thời điểm đó dịch bệnh mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc. Trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, virus sẽ xuất hiện tại Việt Nam sớm hay muộn. "Chống dịch như chống giặc", Thủ tướng nói.

Báo quốc tế ca ngợi loạt lý do khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới - Ảnh 1.

Người dân Việt Nam tuân thủ quy định và phần lớn cũng tự nguyện đeo khẩu trang đi ra đường nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm COVID-19 (ảnh: Reuters)

Huy động mọi mặt trận

Mặc dù vậy, cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách của chính phủ và một hệ thống y tế phát triển – hai điều mà Việt Nam còn yếu.

Việt Nam chưa có khả năng để tiến hành cuộc chiến chống virus theo kiểu Hàn Quốc khi có tới 350.000 xét nghiệm được tiến hành tại quốc gia Đông Á… Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố chỉ có 900 giường bệnh chăm sóc đặc biệt và nếu đại dịch xảy ra, hệ thống y tế thành phố sẽ nhanh chóng bị quá tải.

Để đối phó với COVID-19, Việt Nam thực thi một chiến dịch cách ly chặt chẽ và lần theo tất cả những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm virus. Những biện pháp này được thực hiện ngay từ đầu dịch bệnh – sớm hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Vì dụ, vào ngày 12/2, Việt Nam đã cách ly toàn bộ một thị xã gần Hà Nội trong 3 tuần. Vào thời điểm đó, chỉ có 10 ca dương tính với COVID-19 trên toàn đất nước. Chính quyền nhanh chóng xác định và kiểm soát được bất kỳ ai có khả năng đã tiếp xúc với virus.

Những nước phương Tây như Đức chỉ ghi lại những người đã bị nhiễm và tiếp xúc trực tiếp. Việt Nam cũng theo dõi những người tiếp xúc tầng thứ hai, thứ ba và thứ tư với người nhiễm. Tất cả những người này sau đó phải tuân theo các hạn chế về di chuyển và tiếp xúc theo các mức khác nhau.

Và ngay từ rất sớm, bất kỳ ai tới Việt Nam từ vùng có nguy cơ cao sẽ phải cách ly 14 ngày. Tất cả trường học và đại học đều bị đóng cửa từ đầu tháng 2.

Giám sát toàn quốc

Thay vì phụ thuộc vào thuốc và công nghệ để ngăn ngừa dịch bệnh, an ninh quốc gia Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát toàn quốc với sự tham gia của quân đội… Quân đội cũng triển khai binh lính và trang thiết bị trong cuộc chiến chống virus corona mới.

Hệ thống giám sát toàn quốc đã góp phần lớn trong việc ngăn cản người dân vi phạm các quy định về cách ly.

Báo quốc tế ca ngợi loạt lý do khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới - Ảnh 2.

Một hình ảnh cổ động kêu gọi người dân ở nhà để hạn chế lây nhiễm COVID-19 (nguồn: Hiep Le Duc)

Tinh thần thời chiến

Việt Nam còn áp dụng một tinh thần thời chiến trong những nỗ lực chống lại COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: "Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư đều phải là một pháo đài phòng chống dịch".

Tinh thần trên đã tác động rất lớn tới nhiều người dân Việt Nam – những con người vẫn luôn tự hào về khả năng đoàn kết trong một cuộc khủng hoảng và cùng chịu đựng gian khổ.

Truyền thông nhà nước cũng thực hiện một chiến dịch thông tin khổng lồ. Bộ Y tế Việt Nam thậm chí còn tài trợ cho một ca khúc trên Youtube về cách rửa tay đúng cách và ca khúc này sau đó đã trở nên cực kỳ nổi tiếng.

Tuân thủ các quy định

Mặc dù chưa có các nghiên cứu chứng minh, nhưng nhìn vào xu thế mạng xã hội và các cuộc đối thoại với người Việt Nam, có thể thấy phần lớn người dân đều đồng ý với các biện pháp của chính phủ.

Họ tự tin, VIệt Nam đang ứng phó khá tốt với cuộc khủng hoảng… Sự trả giá về kinh tế được dự đoán là sẽ rất lớn bất chấp số ca nhiễm virus còn thấp, dường như cũng được người dân chấp nhận.

Theo các con số của chính phủ, 3.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong hai tháng đầu năm 2020. Các tập đoàn lớn như VinGroup cũng phải dừng hoạt động một loạt các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vì tình trạng khách du lịch sụt giảm… Để giảm bớt gánh nặng, chính phủ Việt Nam đã bơm 1,1 tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức tài chính nhận định, doanh thu từ thuế sẽ giảm mạnh bởi cuộc khủng hoảng. Chính phủ cũng kêu gọi đóng góp tự nguyện – và người dân đang đóng góp những gì họ có bởi vì họ tin tưởng vào chính phủ trong cuộc khủng hoảng này và trong cuộc chiến chống lại virus corona mới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ