(Tổ Quốc) - Trang Eco-business nhận định Việt Nam có những mục tiêu đầy tham vọng để giải quyết thách thức do rác thải nhựa gây ra. Việc triển khai và thực thi hiệu quả là chìa khóa thành công.
Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải nhựa nghiêm trọng. Mỗi năm, nước này thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 1/3 trong số đó là thải ra đại dương. Điều này gây ra 6% ô nhiễm nhựa biển toàn cầu và khiến nước này trở thành nước phát thải nhựa biển lớn thứ 4 thế giới.
Tình trạng này không chỉ làm trầm trọng thêm những thách thức về môi trường của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.
Việt Nam luôn xem việc xử lý rác thải nhựa là "nhiệm vụ ưu tiên", được nêu rõ trong các văn bản chính sách cấp cao nhất của Việt Nam như Nghị quyết 36 của Trung ương về kinh tế biển và Chỉ đạo số 33 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết rác thải nhựa.
Giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam sẽ đảm bảo với 3 nguồn chính: sản xuất công nghiệp, tiêu dùng hộ gia đình và phế liệu nhựa nhập khẩu. Mỗi giải pháp đều yêu cầu các chính sách phù hợp và đưa ra những thách thức khác nhau.
Sau khi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi có hiệu lực vào năm 2022, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Quy định này yêu cầu nhà sản xuất và nhập khẩu phải quản lý toàn bộ vòng đời sản phẩm thông qua tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Đến tháng 1/2024, EPR sẽ áp dụng cho lốp, ắc quy, dầu máy và các sản phẩm sử dụng túi nhựa đồng thời sẽ áp dụng cho thiết bị điện tử vào năm 2025 và ô tô vào năm 2027.
Tuy nhiên, tính thực tiễn của việc thực thi EPR trong một khoảng thời gian hạn chế vẫn còn nhiều nghi vấn. Trước tiên, điều này cũng đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong nhận thức tại Việt Nam như cơ sở sản xuất chi phí thấp với các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo. Thực tế, 68% công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam bị phát hiện vi phạm các quy định về môi trường.
Ngoài ra, việc thực thi chính sách EPR của Việt Nam đã có hiệu lực mà không có sự tham vấn đầy đủ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều đó cũng liên quan đến chi phí tái chế cao và không thực tế.
Những thách thức tiếp theo là cơ sở hạ tầng tái chế còn hạn chế tại Việt Nam khi chỉ có khả năng xử lý 1/3 tổng lượng rác thải nhựa. Do đó, chính sách EPR có nguy cơ trở nên kém hiệu quả - về mặt lý thuyết là hợp lý nhưng thực tế lại không thể thực thi được. Trong kịch bản như vậy, thay vì thúc đẩy phát triển bền vững sẽ có thể trở thành một trở ngại khác cho doanh nghiệp.
Giải quyết vấn đề tiêu dùng của hộ gia đình, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần chiếm 72% lượng rác thải nhựa của Việt Nam, đang đặt ra những thách thức không kém. Chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ từ phía cung, lên kế hoạch cấm sản xuất và nhập khẩu túi nhựa dùng một lần vào năm 2026.
Động thái này cũng mở rộng sang các cơ sở bán lẻ như siêu thị, khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng. Nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức khác nhau cũng đã được triển khai để khuyến khích lối sống "nói không nhựa" của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tác động của các biện pháp này vẫn còn hạn chế. Trung bình, mỗi hộ gia đình có khả năng sử dụng 1 kg túi nhựa mỗi tháng và 80% dân số thường sẽ bị vứt bỏ sau khi sử dụng.
Biện pháp triển khai
Sự thay đổi chính sách đáng kể gần đây đặt ra quy định phải phân loại rác thải nhựa tại nguồn vào năm 2025. Tuy nhiên, xem xét những khó khăn trước đây trong việc thực thi các quy định tương tự, hiệu quả của sáng kiến mới này vẫn chưa được xác định rõ về tính hiệu quả.
Nguồn rác thải nhựa lớn thứ 3 của Việt Nam là phế liệu nhựa nhập khẩu. Vấn đề này ít được chú ý cho đến năm 2018, khi các container rác nhập khẩu không có người nhận tại các cảng lớn của Việt Nam đã gây rất nhiều vấn đề.
Kịch bản này diễn ra sau lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc vào năm 2017, khiến Việt Nam, cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan và Indonesia, dễ trở thành bãi rác mới. Năm 2018, Việt Nam chứng kiến lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 62%, xu hướng này buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Bất chấp những nỗ lực này, Việt Nam vẫn được xếp hạng là nước nhập khẩu phế liệu nhựa lớn thứ 5 thế giới tính đến cuối năm 2022. Do phế liệu nhập khẩu chiếm tới 25% tổng lượng rác thải nhựa của Việt Nam, xu hướng này càng làm trầm trọng thêm áp lực đối với hoạt động tái chế vốn đã quá căng thẳng của nước này.
Đối mặt với tình trạng khó xử lý liên quan đến rác thải nhựa, Việt Nam đã thúc đây các chiến lược đa hướng. Về mặt chính sách, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa. Tuy nhiên, thử thách thực sự nằm ở việc thực hiện và thực thi các chính sách này.
Hơn nữa, việc thay đổi hành vi thói quen của người tiêu dùng theo hướng lối sống thân thiện với môi trường cũng là một thách thức. Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt, trong đó phạt nặng đối với các hành vi xả rác không đúng quy định hoặc không phân loại rác đúng cách, cũng như đề xuất dịch vụ cộng đồng bắt buộc đối với những người vi phạm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trường hợp ở Nhật Bản và Đức đã chỉ ra rằng ngoài các biện pháp trừng phạt ( ví như cây gậy), các biện pháp khuyến khích ( ví như củ cà rốt) cũng rất cần thiết. Chẳng hạn như, người tiêu dùng có thể được khuyến khích tái chế chai nhựa nếu được hoàn tiền khi trả lại.
Làm cho các cơ sở tái chế dễ tiếp cận hơn ở các địa điểm công cộng cũng là điều cần thiết. Về lâu dài, bắt buộc phải tích hợp "3R" (Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế) vào các chuẩn mực xã hội.
Sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự (CSO) là rất quan trọng trong việc củng cố những nỗ lực của chính phủ trong các lĩnh vực này.
Hơn nữa, xem xét tính chất xuyên quốc gia của ô nhiễm nhựa – với 6 quốc gia Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia gây ô nhiễm nhựa biển hàng đầu toàn cầu – thì nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hợp tác trong ASEAN.
Năm 2021, ASEAN đã đưa ra Kế hoạch hành động khu vực về chống rác thải biển ở các quốc gia thành viên ASEAN (2021-2025). Kế hoạch này được hỗ trợ và tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và quỹ ủy thác đa nhà tài trợ PROBLUE, bao gồm việc xây dựng một nền tảng khu vực về kiến thức EPR. Điều này sẽ thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam trong việc chống rác thải nhựa.
Thêm vào đó, bằng cách hợp tác với các nước láng giềng như Singapore và Thái Lan về quản lý rác thải nhựa, Việt Nam cũng có cơ hội áp dụng các biện pháp tốt như hệ thống đặt cọc – hoàn trả khuyến khích người tiêu dùng tái chế và tái sử dụng, giảm bớt sức ép cho những bãi chôn lấp rác và góp phần thúc đẩy các giải pháp sáng tạo xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa trong nước.
Ngoài ra, hợp tác khu vực có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp các nguồn lực và kiến thức chuyên môn, như trường hợp RAP. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam và Đông Nam Á trong việc giải quyết thách thức chung về môi trường./.