(Tổ Quốc) - Chuyên trang phân tích về khu vực Đông Á East Asia Forum đã có bài viết về động lực phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam với nhiều thành công, tuy nhiên, vẫn cần cải thiện thêm để tiếp cận toàn dân.
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á, vẫn kiên trì giữ vững vị trí so với năm 2020.
Vào tháng 1 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong số 50 quốc gia xếp hạng chính phủ điện tử Việt Nam hàng đầu vào năm 2025. Khi Việt Nam tìm cách củng cố vị thế là một quốc gia an toàn và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ điện tử có thể giúp thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan.
Phát triển chính phủ điện tử là cần thiết
Theo chuyên trang này, một trụ cột chính trong phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam là cung cấp các dịch vụ công được số hóa thông qua các nền tảng như cổng dịch vụ công quốc gia. Nền tảng này cung cấp 31% dịch vụ công ở cấp độ số hóa 4, cho phép các doanh nghiệp và cá nhân nộp các tài liệu chính thức trực tuyến, tích hợp chúng vào cơ sở dữ liệu, thực hiện thanh toán không tiếp xúc và nhận phản hồi trực tuyến từ các cơ quan chính phủ. Nhiều thủ tục vốn được thực hiện trực tiếp giữa doanh nghiệp và chính phủ hiện được tích hợp kỹ thuật số vào cổng thông tin quốc gia.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045 và coi nền kinh tế số là mô hình tăng trưởng lý tưởng để đạt được mục tiêu này. Phát triển một hệ thống chính phủ điện tử có cấu trúc tốt là điều cần thiết trong nỗ lực này. Phát triển chính phủ điện tử sẽ tạo thêm sức hút với các công ty và cũng thúc đẩy họ tăng cường số hóa trong mô hình kinh doanh.
Đồng thời, phát triển chính phủ điện tử là không thể thiếu để xây dựng các cơ chế pháp lý và cơ sở hạ tầng nhằm kích hoạt và quản lý hệ thống thương mại điện tử, tài chính số và ngân hàng số - những phần không thể thiếu của nền kinh tế số. Ví dụ, Bộ Công an đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân để đáp ứng nhu cầu về hệ thống xác minh nhân thân. Ở diện rộng hơn, việc xây dựng chính phủ điện tử cũng là một bước đi quan trọng để cải cách hệ thống hành chính, giảm đi nhiều thủ tục trực tiếp.
Thêm vào đó, chính phủ điện tử cũng sẽ tăng được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước khi nhiều hoạt động của chính phủ được minh bạch và rõ ràng hơn. Chính phủ điện tử cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của người dân bằng cách cung cấp một nền tảng để người dân bày tỏ mối quan tâm của họ. Ví dụ, hệ thống phản hồi tức thời trên cổng dịch vụ công quốc gia cho phép người dân báo cáo các tương tác của họ với hệ thống hành chính và nhận được phản hồi nhanh chóng. Một số người dùng đã thông tin về việc vẫn còn một số địa phương kéo dài thời gian xử lý tài liệu hoặc đưa ra các hướng dẫn khó hiểu. Những phản hồi này sẽ giúp chính phủ cải thiện hệ thống số hóa và quy trình thực hiện thủ tục hành chính công.
Thêm nhiều nỗ lực để triển khai chính phủ điện tử toàn diện
Chuyên trang phân tích này cũng đề cập đến một số khó khăn trong quá trình phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam. Đầu tiên là quá trình triển khai thành công chính phủ điện tử sẽ cần đến một nguồn nhân lực lớn. Tại cấp trung ương, đã có nhiều nỗ lực đào tạo về phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT), tuy nhiên, ở cấp địa phương, số lượng người có chuyên môn CNTT-TT vẫn còn khiêm tốn.
Hiện tại, các nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử dường như đang tập trung ở các trung tâm đô thị và các điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là những khu vực chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế và có tầng lớp trung lưu và có học thức gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài, cũng cần đưa chính phủ điện tử ra nhiều khu vực khác để toàn công chúng được tiếp cận.
Thêm vào đó, vẫn còn một số người đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính phủ điện tử, như những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Việt, những người khuyết tật, trình độ học vấn thấp, những người có thu nhập thấp hay những người ở các khu vực xa xôi. Trong khi nhiều thành phố lớn đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử, thì một số vùng sâu vùng xa vẫn còn tụt hậu, đặc biệt là về mức độ sẵn có của internet và khả năng truy cập vào các cổng dịch vụ của chính phủ điện tử. Những khu vực này cũng là nơi có tốc độ tăng trưởng GDP thấp, tỷ lệ đô thị hóa thấp và đa phần dân số thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Trong tương lai, các khu vực này cũng cần được tiếp cận với chính phủ điện tử để gia tăng cơ hội phát triển kinh tế và xã hội.