(Tổ Quốc) - Tờ The Diplomat mới có bài viết đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Tờ The Diplomat đã dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trong năm nay. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh suy thoái khu vực đang diễn ra cũng như sự giảm tốc kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế gần đây nhất cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, được công bố ngày 27/9, Ngân hàng Thế giới dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022 và bứt phá được lên 4,6% vào năm 2023.
Việt Nam là điểm sáng kinh tế khu vực
Tốc độ tăng trưởng dự kiến cho năm nay đã bị giảm đáng kể từ mức 5% mà Ngân hàng Thế giới đưa ra trong báo cáo triển vọng tăng trưởng hồi tháng 4. Phần lớn nguyên nhân có thể là do sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc khi chính sách Zero-Covid của nước này đã khiến đà tăng trưởng của họ chậm lại. Về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 4,5% vào năm 2023, "giảm tốc mạnh" so với mức 8,1% mà họ từng dự báo vào năm 2021.
Dù thiếu vắng Trung Quốc nhưng dự báo vừa qua về tăng trưởng cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới vẫn là một dấu hiệu tích cực và cho thấy trong khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc thì các tác động kinh tế từ đại dịch này đã được cải thiện phần lớn.
Và theo The Diplomat đánh giá, có lẽ câu chuyện lớn nhất toát lên từ các số liệu tăng trưởng này là sự nổi lên của Việt Nam như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Á . Với sự kết hợp các biện pháp ngăn chặn COVID-19 tương đối hiệu quả, lợi thế về nhân khẩu học và lợi thế đặc biệt trong cấu trúc của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% vào năm 2022, tăng so với dự báo 5,3% hồi tháng 4 vừa qua. Dự đoán năm 2023, Việt Nam cũng được ước tính sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%, cao hơn đa phần các quốc gia Đông Nam Á như Philippines (6,5%), Malaysia (6,4%) và Indonesia (5,1%) – những nước có tỷ lệ tăng trưởng vượt hơn 5%.
Đối với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng được đánh giá là tích cực một cách thận trọng. Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo kinh tế của mình đối với Malaysia từ 5,5 lên 6,4% và thực hiện các điều chỉnh tăng tương tự đối với Philippines (5,7% lên 6,5%), Thái Lan (2,9% lên 3,1%) và Campuchia (4,5% lên 4,8%).
Đông Á – Thái Bình Dương đối mặt nhiều tín hiệu khó khăn
Trong một thông cáo báo chí được phát hành trước khi ra mắt toàn bộ báo cáo, Ngân hàng Thế giới cho rằng mức tăng trưởng tương đối tích cực của khu vực chủ yếu đến từ ba yếu tố: sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân trong nửa đầu năm 2022 - "xuất phát từ việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19"; nhu cầu toàn cầu đối với xuất khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa từ Đông Á và Thái Bình Dương được duy trì liên tục; và sự thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ".
Dù vậy, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý một số sóng gió mà khu vực này đang phải đối mặt khi vừa vượt qua được quãng thời gian khó khăn vì COVID-19 thì lại bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế do lạm phát gia tăng và leo thang căng thẳng ở Ukraine. Báo cáo nêu rõ: "Suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu và hàng hóa sản xuất của khu vực này".
Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận tác động của lạm phát và việc ngân hàng trung ương ở các nước phát triển, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Sự thắt chặt chính sách tiền tệ này đã "làm suy giảm dòng vốn và giảm giá trị tiền tệ của một số nước Đông Á và Thái Bình Dương. Những diễn biến này đã làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp không gian điều chỉnh chính sách tài khóa, từ đó làm tổn thương các quốc gia nợ nần nhiều từ trước đại dịch".
Điển hình ở Đông Nam Á là Lào, quốc gia hiện đang ở giữa cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Tăng trưởng dự kiến của nước này cho năm 2022 đã giảm từ 3,8% xuống 2,5%. Một quốc gia nữa là Myanmar đang chịu nhiều bất ổn. Tình hình kinh tế và chính trị của Myanmar không chắc chắn đến mức Ngân hàng Thế giới đã từ chối đưa ra dự báo cho nền kinh tế nước này vào năm 2023./.