(Tổ Quốc) - Theo trang DIGITIMES, khi bối cảnh công nghệ toàn cầu tiếp tục phát triển thì Việt Nam được định vị sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn.
Với việc ngày càng nhiều công ty bán dẫn quốc tế hiện diện tại Việt Nam và hướng tới hệ sinh thái bán dẫn địa phương, chính quyền quốc gia này hiện đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết là nuôi dưỡng nguồn nhân tài đáng kể cho ngành này.
Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam vào tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các công ty bán dẫn lớn trong việc phát triển nhân tài. Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Việc hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Trung tâm Đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn.
Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện cam kết nuôi dưỡng tài năng bán dẫn thông qua hợp tác chiến lược với các công ty hàng đầu trong ngành. Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), hợp tác với các tổ chức Synopsys của Mỹ và Đại học Arizona, cùng với Cadence, đã ký các biên bản ghi nhớ (MOU). Trong khi các thỏa thuận với Synopsys và Đại học Arizona chủ yếu tập trung vào phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn của Việt Nam thì MOU với Cadence sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với gã khổng lồ bán dẫn Intel, tăng cường nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.
Theo một nghiên cứu gần đây của DIGITIMES Research, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý về tỷ lệ dân số có bằng cử nhân STEM, tăng từ 0,49% lên 0,58% trong năm học 2017-2018. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ STEM vẫn thấp hơn đáng kể, ở mức dưới 0,02%.
Thu hút lớn vốn đầu tư nước ngoài phát triển lĩnh vực bán dẫn
Năm 2019, Việt Nam đã đặt nền móng cho Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) khi bắt tay vào chiến lược thành lập các khu công nghệ cao tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, củng cố vị thế là một trung tâm công nghiệp bán dẫn quan trọng.
Đến tháng 10 năm 2023, Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) đã ra mắt chính thức tại Hà Nội, nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc với khoản đầu tư đáng kể 41,7 triệu USD. Trải rộng trên diện tích 20.000m2, cơ sở này bao gồm hai tòa nhà văn phòng và một trung tâm hội nghị, được thiết kế chủ yếu để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Động thái này sẽ thu hút các công ty khởi nghiệp, phòng thí nghiệm và doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đến thành lập hoạt động.
Việt Nam, với vô số lợi thế và cơ sở hạ tầng mở rộng, đang nhanh chóng trở thành lựa chọn ưa thích của các gã khổng lồ bán dẫn toàn cầu để thành lập cơ sở sản xuất.
Vào tháng 9/2023, công ty OSAT Hana Micron của Hàn Quốc đã thành lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Giang, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên của khu vực.
Hana Micron đã đầu tư khoảng 600 triệu USD vào Việt Nam và có kế hoạch tăng con số đó lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025, có khả năng tạo ra doanh thu vượt 800 triệu USD và tạo ra hơn 4.000 cơ hội việc làm. Năm 2023, Hana Micron dự kiến đạt doanh thu 300 triệu USD.
Chỉ một tháng sau, công ty OSAT Amkor đã công bố khoản đầu tư khổng lồ trị giá 1,6 tỷ USD vào cơ sở thử nghiệm và đóng gói theo công nghệ đóng gói chip thế hệ mới (SiP) và bộ nhớ băng thông cao (HBM) đặt tại khu công nghiệp Yên Phong 2C tỉnh Bắc Ninh. Việc xây dựng giai đoạn 1 bắt đầu vào quý 1/2022.
Theo báo cáo của The Register, Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu chip bán dẫn. Chỉ có hai công ty địa phương, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước Viettel và gã khổng lồ công nghệ thông tin FPT đang lấn sân vào mảng thiết kế chip.
Trong khi đó, việc thiết kế, gia công, lắp ráp và thử nghiệm chip chủ yếu được thực hiện bởi các tập đoàn nước ngoài, điển hình là cơ sở thử nghiệm và lắp ráp của Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn.
Tuy nhiên, với chiến lược mới trong phát triển nhân tài và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ có những bước tiến đáng kể trong ngành bán dẫn toàn cầu trong tương lai, tác giả bài viết Jerry Chen trên trang DIGITIMES ghi nhận./.