• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế gợi ý giải pháp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm nước

Thế giới 26/05/2023 09:42

(Tổ Quốc) - Chuyên trang phân tích East Asia Forum đã có bài viết về những biện pháp trữ nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm tài nguyên nước.

Thế kỷ 21 đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số lượng các quốc gia ở Nam bán cầu gặp phải tình trạng khan hiếm nước. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thời tiết bất thường. Điều này ảnh hưởng tới các hệ thống trồng trọt nông nghiệp ở cả thượng nguồn và vùng ven biển.

Ở các khu vực đồng bằng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và nhiễm mặn, tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong vài năm qua đã gia tăng thêm nhiều khó khăn trong việc quản lý nước để sản xuất cây trồng và làm xói mòn những nỗ lực xây dựng sinh kế bền vững.

Vùng đồng bằng ven biển cần cách tiếp cận mới về nước

Trong khi chính phủ đã nỗ lực thực hiện các chiến lược phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo yêu cầu của Nghị quyết 120 của chính phủ, ban hành tháng 11 năm 2017, thì nhiều khu vực nông thôn vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về tình trạng khan hiếm nước theo mùa. Nghị quyết 120 đang tìm cách xây dựng một chương trình nghị sự phát triển tổng thể bao gồm các tầm nhìn, mục tiêu và giải pháp dài hạn nhằm cải thiện nền kinh tế khu vực đồng thời ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình cần thời gian dài để phát huy, trong khi tình trạng khan hiếm nước trước mắt vẫn đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống địa phương.

Báo quốc tế gợi ý giải pháp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm nước - Ảnh 1.

Khan hiếm nước ảnh hưởng nhiều đến đời sống nông nghiệp và sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: East Asia Forum.

Trong khi đó, có nhiều lo ngại rằng một số yếu tố có thể sắp có tác động lớn hơn nữa đối với tình trạng khan hiếm nước. Trước đây, nỗ lực kiểm soát lũ lụt để hỗ trợ sản xuất lúa thâm canh đã dẫn đến việc xây dựng hệ thống đê bao quy mô lớn và mạng lưới kênh rạch để thoát nước lũ ra biển. Tuy nhiên, những thách thức mới về nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy rằng các 'biện pháp khắc phục kỹ thuật' như vậy không giúp giữ lại được một lượng lớn nước lũ ở đồng bằng, trong khi có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn ở bờ biển phía Tây.

Hiện tại, thách thức mới về nước tại khu vực này là giữ nước, thay vì đẩy nước đi như trước đây. Trong khi chính phủ cũng đang chuyển hướng sự quan tâm từ các vùng đồng bằng ngập lũ sang các vùng đồng bằng ven biển, những vùng được coi là đặc biệt dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả xâm nhập mặn, thì người dân ở những vùng này vẫn đang học hỏi và cần thời gian tìm cách ứng phó với những thay đổi môi trường địa phương.

Cách tiếp cận kết hợp cả xây dựng kỹ thuật và vận dụng địa hình tự nhiên

Như vậy, tìm ra cách trữ nước là cách tiếp cận thực tế nhất để đối phó với tình trạng khan hiếm nước hiện nay. Tuy nhiên, các giải pháp giữ nước hiện tại ở những khu vực này chủ yếu mang tính kỹ thuật. Sự gián đoạn về nước, cùng với nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp cao, đã thúc đẩy chính quyền địa phương xây dựng các hồ chứa trên đồng quy mô lớn. Mặc dù các giải pháp này là hợp lý để đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp theo năng suất, nhưng các câu hỏi về hiệu quả lâu dài vẫn còn đó.

Trên thực tế, tình hình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy cách tiếp cận dựa trên kỹ thuật và tận dụng địa hình tự nhiên có thể bền vững hơn.

Trong khi các giải pháp kỹ thuật như đê và hồ chứa vẫn rất cần thiết để giữ nước trên quy mô lớn, thì các khu vực không có đê của vùng đồng bằng và đất ngập nước cũng có khả năng đáng ngạc nhiên trong việc hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn nước lũ trong mùa lũ.

Các chính sách hỗ trợ kết hợp các phương pháp tiếp cận kỹ thuật và tự nhiên như vậy mở ra một lộ trình thích ứng quan trọng đối với an ninh nước trong tương lai.

Việc đưa các phương pháp kết hợp này vào khuôn khổ quản trị nước cũng sẽ cung cấp các lộ trình quan trọng để đạt được sự bền vững về nước và phát triển nông nghiệp trong dài hạn.

Để đảm bảo nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long, chính phủ cũng có thể tích cực tham gia vào chính sách ngoại giao về nước ở quy mô khu vực và đưa những nỗ lực này thành các chính sách quản lý nước ở quy mô lớn để giải quyết tốt hơn tình trạng mất an ninh nước đang nổi lên và trong tương lai.

Trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải đối mặt với áp lực thiếu hụt nước gia tăng, chịu hệ lụy từ cả xuyên biên giới và ngay tại chỗ, thì các giải pháp kết hợp kỹ thuật và tận dụng điều kiện thiên nhiên có thể là lựa chọn khả thi nhất để đảm bảo tính bền vững của nguồn nước nhằm thực hiện thành công quá trình phát triển chống chịu khí hậu theo Nghị quyết 120.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ