(Tổ Quốc) - Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phát triển lĩnh vực EMS, đặt mục tiêu đưa ngành này đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới trong vài thập kỷ tới.
Theo trang Hmp Global Learning Network, tại Việt Nam, dịch vụ y tế khẩn cấp (EMS) là dịch vụ khẩn cấp điều trị bệnh và thương tật cần có phản ứng y tế khẩn cấp, điều trị ngoài bệnh viện và vận chuyển đến chăm sóc chuyên biệt.
Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phát triển lĩnh vực EMS, đặt mục tiêu đưa ngành này đạt chất lượng cao nhất thế giới trong vài thập kỷ tới. Là một phần của các kế hoạch này, gói cải cách dài hạn sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và EMS của đất nước cho đến năm 2030, đặc biệt tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phạm vi bảo hiểm.
Bối cảnh EMS hiện tại ở Việt Nam
Việt Nam có hệ thống EMS đang phát triển trong khu vực các quốc gia ở Đông Nam Á. Trong đại dịch Covid-19, đất nước này nhìn chung đã ứng phó và chống dịch rất hiệu quả, cụ thể là có thể tránh được những ca bệnh tử vong hàng loạt (so với các quốc gia châu Á khác) cùng với giảm thiểu được tình trạng thiếu nhân viên y tế và thuốc men ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch.
Theo các nhà phân tích, điều đó chủ yếu là do chính sách chống dịch hiệu quả đã được triển khai trong thời kỳ Covid-19 cũng như tiếp tục sử dụng một số nguyên tắc ưu tiên chăm sóc sức khỏe và EMS.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt ưu tiên cho việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và EMS trong lực lượng quân đội và người dân sống ở vùng biển và hải đảo. Những kế hoạch này gần đây đã được Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà ký và là một phần của chương trình phát triển y tế đảo hiện có cho đến năm 2030, cụ thể là Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.
Nằm trong kế hoạch này, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có khoảng 40% bệnh viện và xe cứu thương ở các huyện đảo của Việt Nam sẽ được trang bị các thiết bị và công nghệ y tế hiện đại nhất, đồng thời chất lượng dịch vụ được cung cấp sẽ được cải thiện đáng kể.
Cải cách hành chính và tăng cường đào tạo
Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 sẽ là một phần trong sáng kiến nhằm cải thiện phạm vi bao phủ của EMS ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Với mục đích này, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch đẩy nhanh việc đào tạo nhân sự cho cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và EMS, đồng thời thành lập thêm các trung tâm vận chuyển khẩn cấp ở hầu hết các thành phố lớn và nhỏ của đất nước.
Chương trình cũng là một phần để cải thiện mức sống của người dân. Nếu như trước đây Việt Nam được định vị là một trong những quốc gia mới nổi thế giới thì những năm gần đây tình hình đã thay đổi, khi ngày càng nhiều người dân địa phương yêu cầu EMS chất lượng hơn.
Hiện nay, hầu hết các khoa cấp cứu ở Việt Nam vẫn đặt trụ sở tại các bệnh viện công. Một số dịch vụ EMS cũng có ở các bệnh viện tư, tuy nhiên, do chi phí cao nên dịch vụ này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Theo truyền thống, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và EMS ở Việt Nam chưa phát triển mạnh. Chính phủ Việt Nam nhận thức được điều này và đang cân nhắc nhiều cách khác nhau để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể là tăng đáng kể đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực này hoặc một phần kinh phí đáng kể sẽ được đầu tư vào mua mới các loại xe cứu thương hiện đại.
Theo một số phương tiện truyền thông Việt Nam, hầu hết các xe cứu thương sẽ chủ yếu phục vụ các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của đất nước.
Những cơ hội phía trước
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và EMS, thể hiện qua việc hoàn thành các mục tiêu hàng năm đặt ra. Điều đó liên quan đến việc tăng số lượng bác sĩ giỏi và giường bệnh.
Nhìn chung, theo dữ liệu từ truyền thông địa phương, số lượng bác sĩ và nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và EMS của Việt Nam đã tăng gần 10 lần kể từ năm 1986, trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn đang tiếp tục. Vấn đề duy nhất là hầu hết những nhân sự này thích làm việc ở các khu vực đô thị lớn của đất nước như thành phố Hồ Chí Minh thay vì khu vực nông thôn và hải đảo.
Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này ít nhất một phần bằng cách thực hiện các biện pháp di dời một bộ phận nhân sự từ các thành phố lớn nhất đất nước đến các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa thông qua việc cung cấp nhiều ưu đãi và lợi ích tài chính.
Một phần trong kế hoạch cũng là thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí chứa bệnh cho người dân địa phương mặc dù chi phí chăm sóc sức khỏe và EMS ở Việt Nam đã thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia mới nổi khác, giúp người dân nói chung dễ tiếp cận hơn.
Chính phủ cũng có kế hoạch giảm thời gian đáp ứng của xe cứu thương nhà nước để tiếp cận bệnh nhân, vốn thường rất chậm và có thể mất tới 30 phút (so với 15 phút yêu cầu) hoặc hơn trong trường hợp ùn tắc giao thông. Về vấn đề này, những năm gần đây xe mô tô cứu thương được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là xe của các bệnh viện công, nơi cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết.
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đã giải quyết được một số vấn đề cấp bách nhất trong ngành như tình trạng thiếu thuốc, hiện tượng này xảy ra ở phần lớn các bệnh viện và khoa cấp cứu trên cả nước trong thời kỳ xảy ra đại dịch./.