• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế: Thời điểm của kinh tế Việt Nam đã đến

Thế giới 10/07/2023 10:33

(Tổ Quốc) - Việt Nam đang tận dụng cơ hội thu hút nguồn sản xuất lớn trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế lâu dài trong tương lai.

Việt Nam thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư

Trang Financial Times nhận định, sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời điểm "thăng hoa" của kinh tế Việt Nam cuối cùng có thể đã đến.

Báo quốc tế: Thời điểm của kinh tế Việt Nam đã đến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: FT

"Đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế toàn cầu đạt được mức tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát", trang Financial Times dẫn tin.

Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn từ lĩnh vực sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ tính năm 2022. Những gã khổng lồ công nghệ thế giới như công ty công nghệ đa quốc gia Dell, các tập đoàn như Google, Microsoft hay Apple đều mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam trong những năm gần đây, phần nào hiểu rằng Việt Nam đã và đang thu hút số lượng lớn các nhà sản xuất công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Sự hấp dẫn của Việt Nam đã trở nên rõ ràng.

Qua trình mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ góp phần lôi kéo sự tham gia của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đồng thời góp phần cho sự phát triển, nâng cao vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Bên cạnh đó, quá trình cải cách kinh tế – từ cuối những năm 1980 còn gọi là Đổi mới - cũng đánh dấu bước chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường. Vị trí địa lý gần Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ và giá cả phải chăng cùng với hệ thống giáo dục tốt đã thu hút số lượng lớn các nhà sản xuất. Mặc dù "Made in Việt Nam" ban đầu chỉ được biết đến là quần áo như giày Nike nhưng giờ đây vai trò của Việt Nam ngày càng được gắn kết với các thương hiệu điện tử cao cấp hơn như Airpods của Apple. Các doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi chi phí lao động gia tăng. Theo FT, hơn 20 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam năm ngoái, chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

Thích nghi với thay đổi và phát triển

Gần đây, các thông tin Apple về việc lần đầu tiên sản xuất đồng hồ Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam cũng là tín hiệu cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư thế giới.

Tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam cũng đã tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ năm 2018. Tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.

"Trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu tham vọng của Chính phủ Việt Nam là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam có thể sẽ phải tận dụng sự bùng nổ tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế đất nước", trang báo gợi ý.

Và trong thập kỷ tới, theo trang báo, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các kế hoạch đầu tư của nhà sản xuất. Nhân khẩu học trẻ tuổi cũng cung cấp số lượng lớn nhân lực để lựa chọn nhưng sự cạnh tranh về năng lực kỹ thuật cũng gia tăng. Các trường học của Việt Nam đang vượt trội trên toàn cầu nhưng đào tạo nghề và đại học vẫn cần một bước tiến mới trong thời gian tới.

Những làn sóng dịch chuyển, đầu tư dây chuyền công nghệ cao của những gã khổng lồ trên thế giới sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, thể hiện những điểm sáng về môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút được các nhà đầu tư trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo trang Financial Times, hành trình đáp ứng thu nhập cao của đất nước vẫn còn dài. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, tiền lương cũng sẽ tăng lên và chắc chắn Việt Nam không thể dựa vào mô hình chi phí thấp mãi mãi.

Sự phụ thuộc vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có thể khiến nước này đối mặt khó khăn trước môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động. Theo thời gian, Việt Nam sẽ phải tăng cường hỗ trợ phát triển các ngành giàu tri thức và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2045.

Bên cạnh đó, các dịch vụ xương sống như tài chính, hậu cần và dịch vụ pháp lý tạo ra việc làm có tay nghề cao và gia tăng giá trị cho các ngành hiện có. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị hỗ trợ nhiều hơn cho việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý và tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với FDI trong lĩnh vực dịch vụ.

"Sự khuyến khích kinh doanh trên khắp Việt Nam là hợp lý. Và sẽ còn nhiều việc phải làm để biến xu hướng giảm rủi ro ngày nay thành thịnh vượng lâu dài", trang Financial Times nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ