(Tổ Quốc) - Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đang tập trung vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu do những tác động của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Trang Brookings.edu của Viện nghiên cứu Brookings tại Mỹ vừa có bài viết phân tích về bước ngoặt mới đối với thương mại châu Á, trong đó tập trung vào những thay đổi tiềm năng về phía nguồn cung – cầu của hệ thống thương mại toàn cầu và khu vực. Trang báo đưa ra những nhận định về sự nổi lên của các quốc gia mới nổi ở châu Á, trong đó có những gợi ý chính sách phát triển trong bối cảnh hội nhập thương mại.
Thương mại là động lực chính của sự phát triển ở Đông Á, cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được vị thế thu nhập cao thông qua các chiến lược phát triển định hướng xuất khẩu. Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á hiện chiếm 17% thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ.
Với tỷ lệ thương mại trên GDP trung bình là 105%, các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á thường xuyên trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ sản xuất qua biên giới đạt tỷ trọng cao hơn so với các nền kinh tế ở Mỹ Latin (73,2%), Nam Á (61,4%), và Châu Phi (73%). Trước đây, chỉ các quốc gia thành viên EU (138%) được biết đến là khối thương mại khu vực hội nhập sâu sắc nhất trên thế giới. Bởi sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Á mới nổi trong thương mại toàn cầu và khu vực nên hoạt động thương mại giữa các quốc gia Đông Á mới nổi đã mở rộng đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Trên thực tế, sự gia tăng thương mại nội khối chiếm hơn 1/2 tổng giá trị tăng trưởng xuất khẩu ở các nước Đông Á mới nổi trong thập kỷ qua và tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa sang EU, Nhật Bản và Mỹ chiếm khoảng 30% nhưng từng bị gián đoạn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Vào năm 2021, thương mại nội khối chiếm khoảng 40% tổng thương mại của khu vực, tỷ trọng cao nhất kể từ năm 1990.
Hoạt động thương mại trong khu vực Đông Á đang chuyển đổi
Ban đầu, hầu hết quá trình hội nhập thương mại trong khu vực Đông Á được thúc đẩy bởi thương mại nội ngành phát triển nhanh chóng. Sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu xuyên biên giới, trong đó bao gồm sự chuyên môn hóa theo chiều dọc và sự phân tán về mặt địa lý của các quy trình sản xuất trên khắp khu vực. Diễn biến này dẫn đến sự gia tăng mạnh về thương mại hàng hóa trung gian giữa các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong khi EU, Nhật Bản và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính cho hàng hóa cuối cùng.
"Chất bán dẫn và các bộ phận máy tính khác được lắp ráp từ các nền kinh tế có mức lương cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) . Và sau đó sản phẩm cuối cùng như tivi, máy tính hay điện thoại di động được chuyển đến người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản", bài viết phân tích.
Nguồn nhu cầu toàn cầu đã và đang thay đổi. Thương mại nội khối không còn phản ánh sự thay đổi trong mô hình sản xuất mà đang điều chỉnh bởi những thay đổi từ nguồn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu cuối cùng. Bởi thu nhập và dân số tăng nhanh, tăng trưởng nhu cầu ở các nước Đông Á mới nổi đang trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong vòng 10 năm qua - vượt cả tốc độ tăng trưởng GDP và thương mại trung bình trong giai đoạn đó.
Trung Quốc hiện không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực mà còn là nguồn cung cấp đáp ứng nhu cầu cuối cùng lớn nhất cho khu vực, gần đây đã vượt cả Mỹ và EU. Giá trị gia tăng xuất khẩu ảnh hưởng bởi nhu cầu cuối cùng ở Trung Quốc đã tăng từ 1,6% GDP của khu vực năm 2000 lên 5,4% GDP vào năm 2021.
Đồng thời, nhu cầu cuối cùng từ các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Á cũng đang tăng lên, từ khoảng 3% GDP năm 2000 lên trên 3,5% GDP vào năm 2021. Tầng lớp trung lưu mới nổi ở Đông Á đã tăng nhanh từ 834,2 triệu người năm 2016 lên khoảng 1,1 tỷ người vào năm 2022. Ngày nay, hơn 1/2 dân số—chính xác là 54,5%—đã gia nhập hàng ngũ của tầng lớp người tiêu dùng toàn cầu, với mức chi tiêu tiêu dùng hàng ngày từ 12 USD/ ngày trở lên.Theo định nghĩa này, Đông Á chiếm 29% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng toàn cầu vào năm 2022 và đến năm 2030, cứ 3 thành viên của tầng lớp trung lưu thế giới thì có một người là người Đông Á. Trong khi đó, thị phần của Mỹ và EU trong tầng lớp người tiêu dùng toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 19,2% xuống 15,8%.
"Nếu chúng ta xem xét chi tiêu của tầng lớp người tiêu dùng, khu vực Đông Á mới nổi dự kiến sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất trong thập kỷ này", chuyên gia Homi Kharas thuộc Viện Brookings nhận định.
Bên cạnh đó, hiện tại, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á được biết đến là công xưởng của thế giới. Các quốc gia này đang đóng một vai trò quan trọng không kém khi mở rộng nhanh chóng các thị trường tiêu dùng đang bắt đầu định hình làn sóng tiếp theo của dòng chảy thương mại trong khu vực và toàn cầu./.