• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế: Việt Nam bước vào xu hướng sản xuất lúa gạo bền vững

Thế giới 21/07/2023 20:55

(Tổ Quốc) - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đóng vai trò quan trọng là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Theo trang Triple Pundit, là vùng có đất đai màu mỡ, đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% diện tích trồng lúa của cả nước – loại lương thực chính trong chế độ ăn uống của người Việt Nam.

Báo quốc tế: Việt Nam bước vào xu hướng sản xuất lúa gạo bền vững - Ảnh 1.

Một nông dân làm cỏ trên cánh đồng trồng lúa. (Ảnh: Bryon Lippincott/Flickr)

Tuy nhiên, vào năm 2016, đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn. Năng suất trồng lúa đã giảm đáng kể trong mùa màng và hạn hán đã gây ra rất nhiều khó khăn đối với các gia đình nông dân. Đất đai thoái hóa, thiếu nước và ô nhiễm khiến gần 1,1 triệu người phải di cư ra khỏi khu vực.

Biến đổi khí hậu đe dọa nghề trồng lúa trên khắp thế giới

Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của những gì sắp xảy ra trên toàn thế giới. Gần đây, các cuộc khủng hoảng do khí hậu đã đe dọa sinh kế của nông dân và làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu. Khoảng 3,5 tỷ người sống dựa vào gạo như một loại lương thực chính trong chế độ ăn uống hàng ngày và loại ngũ cốc này cung cấp khoảng 1/3 lượng calo tiêu thụ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đến nay, gạo cũng trở nên phổ biến ở phương Tây trong thức ăn cho vật nuôi, bia, ngũ cốc và các mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm không chứa gluten.

Bên cạnh đó, một phần nhu cầu sử dụng gạo đã tăng lên rõ rệt bởi sự gia tăng dân số toàn cầu theo cấp số nhân. Sản lượng lúa gạo sẽ tăng khoảng 25% vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, khoảng 15 triệu đến 20 triệu ha đất có thể bị khan hiếm nước do nhiệt độ tăng cao, làm giảm mạnh sản lượng và giá trị dinh dưỡng của vụ lúa.

Các sự kiện khan hiếm nước gia tăng sẽ tàn phá việc trồng lúa vì loại cây này cực kỳ cần nhiều nước. Nhiều cánh đồng lúa và hồ chứa nước đã khiến diện tích đất ngập nước nhân tạo tăng 233% trong khi diện tích đất ngập nước tự nhiên giảm 35%, gây ra tình trạng mất cân bằng.

Gạo cũng đóng góp đáng kể vào phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu. Trên thực tế, lượng khí thải carbon từ việc sản xuất lúa gạo cũng tương tự như ngành hàng không quốc tế. Khí thải phần lớn được gây ra bởi phương pháp canh tác ngập nước trên cánh đồng, ngăn cản oxy thâm nhập vào đất và dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn thải khí mê-tan có hại. Khí mê-tan bổ sung được giải phóng từ rơm mục nát còn sót lại từ vụ mùa trong canh tác lúa thông thường.

Nếu chúng ta tiếp tục canh tác lúa theo các phương pháp này, các sự cố thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên cạn kiệt chắc chắn sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt, có thể dẫn đến thảm họa đói kém trên phạm vi toàn cầu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, giờ đây đã có những phương pháp sản xuất lúa gạo bền vững đã được chứng minh, có khả năng thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu đồng thời tạo ra năng suất tương tự như phương pháp canh tác thông thường.

Cụ thể, một nghiên cứu tại tỉnh An Giang ở Việt Nam đã so sánh sản lượng thu hoạch giữa nông dân sử dụng phương pháp làm ướt và làm khô bền vững hơn (AWD) với những người sử dụng phương pháp ngập nước thông thường. Năng suất gần như giống hệt nhau và phương pháp AWD thải ra ít khí nhà kính hơn đồng thời cần ít hạt giống và phân bón hơn.

Những kỹ thuật canh tác xanh sẽ là con đường duy nhất có thể duy trì năng suất lúa và thích ứng với nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên. Tuy nhiên, cần có thêm tài chính của khu vực tư nhân để hỗ trợ và phát triển các chương trình này. May mắn thay, việc các công ty chuyển sang phương pháp bền vững này không còn là rủi ro nữa. Trong thực tế, đó được ví như một mệnh lệnh kinh doanh.

Theo Quỹ Môi trường Toàn cầu, các khoản đầu tư với tổng trị giá hơn 600 triệu đô la tiếp tục tăng từ cụm các quốc gia châu Á sang Tây Phi theo các chương trình, thể hiện khả năng mở rộng, nhân rộng và hỗ trợ tài chính từ khu vực tư nhân. Đây là yếu tố cực kỳ cần thiết để chuyển đổi các hệ thống cân bằng.

Đầu tư vào sản xuất lúa gạo bền vững

Quá trình sản xuất lúa gạo bền vững sẽ giúp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Hiện nay đã có những phương pháp sản xuất lúa gạo được chứng minh là có thể giảm tới 70% lượng khí thải mê-tan bằng cách sử dụng những thay đổi đơn giản trong kỹ thuật canh tác.

Những thay đổi này bao gồm loại bỏ rơm rạ khỏi ruộng sau khi thu hoạch, chế độ bón phân và cải tạo đất mới đồng thời kiểm soát cẩn thận thời gian cũng như mức độ ngập úng của ruộng lúa.

Về nguồn tài chính, bằng cách kết hợp các nguồn tài chính công và tư nhân - chẳng hạn như các nhà đầu tư thương mại, nhà tài trợ và các quỹ tín thác đa phương như Quỹ Môi trường Toàn cầu - các nhóm thiết kế dự án có thể triển khai hạn mức tín dụng, bảo lãnh khoản vay, đầu tư vốn cổ phần và các phương pháp tiếp cận sáng tạo khác.

Về khả năng khắc phục trước biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều phương pháp hiệu quả để giảm sự phụ thuộc của lúa vào nước hiệu quả hơn đáng kể so với các kỹ thuật canh tác thông thường, tạo ra khả năng phục hồi khí hậu tốt hơn. Ví dụ, một chương trình lúa gạo bền vững ở Việt Nam đã sử dụng hệ thống tưới vi mô cho phép nước nhỏ giọt từ từ đến rễ cây thay vì phương pháp tưới ngập đồng ruộng thông thường. Điều này giúp tiết kiệm nước từ 60% đến 70% và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật canh tác để giảm cạn kiệt tài nguyên và mang lại sản lượng ổn định hơn.

Và cuối cùng là thiết lập mạng lưới hỗ trợ toàn cầu. Các chương trình canh tác lúa gạo bền vững được hỗ trợ bởi một mạng lưới các tổ chức quốc tế bao gồm Liên Hợp Quốc, Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì sự Phát triển Bền vững và Quỹ môi trường Toàn cầu. Các chương trình như Sáng kiến Cảnh quan Lúa gạo Bền vững được triển khai rất tốt để giúp các công ty tư nhân chuyển đổi từ canh tác lúa thông thường sang kỹ thuật xanh nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Người nông dân cũng đã sẵn sàng. Việc đào tạo và xây dựng năng lực cho nông dân và các hộ sản xuất nhỏ đã được tiến hành trong vài năm nay, mở đường cho quá trình chuyển đổi có hệ thống sang sản xuất lúa gạo bền vững và cung cấp thêm sự đảm bảo cho các nhà đầu tư tư nhân.

Đã đến lúc, khu vực tư nhân đầu tư vào sản xuất lúa gạo bền vững, không chỉ để đáp ứng các yêu cầu về chính sách khí hậu toàn cầu mà còn để đảm bảo rằng việc trồng lúa có thể thích ứng với hành tinh đang thay đổi của trái đất và các doanh nghiệp vẫn có lãi.

"Các phương pháp canh tác lúa thông thường trước đây được ví như là "quả bom hẹn giờ". Và giờ là lúc ngành nông nghiệp phải thay đổi phương pháp canh tác không chỉ vì mang lại hiệu quả cao mà còn ngăn chặn thảm họa khí hậu và nạn đói toàn cầu", trang báo dẫn tin./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ