• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế: Việt Nam đang trở thành cường quốc sản xuất chip

Thế giới 26/08/2024 20:37

(Tổ Quốc) - Theo Thời báo châu Á (Asia Times), Việt Nam đang trở thành một nhân tố mới quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Các kỹ sư có trình độ học vấn và chuyên môn cao tại Việt Nam hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty thiết kế và đóng gói bán dẫn từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Báo quốc tế: Việt Nam đang trở thành cường quốc sản xuất chip - Ảnh 1.

Việt Nam đang ngày càng nổi bật trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Ảnh: vneconomy.vn

"Với chính sách phát triển ngành công nghệ, Việt Nam đang đi theo bước chân của Malaysia, hiện là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và chiếm 13% trong ngành lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói toàn cầu", theo ISIS Malaysia, một tổ chức tư vấn cho hay.

Các nguồn tin trong ngành bán dẫn cho biết mức lương hàng năm của các kỹ sư thiết kế có 3 năm kinh nghiệm dao động từ 10.000 đến 15.000 đô la ở Việt Nam so với 65.000 đến 70.000 đô la ở Mỹ.

Ngay cả khi tính đến biến động tỷ giá hối đoái, mức lương kỹ sư ở Việt Nam và Malaysia vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương của các kỹ sư ở các nước khác như Mỹ.

Điều này giải thích tại sao cơ sở lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm mạch tích hợp (IC) lớn nhất của Intel lại nằm ở Việt Nam và cơ sở đóng gói 3D tiên tiến lớn nhất của hãng hiện diện ở Malaysia.

Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức (Infineon) đã thành lập một nhóm phát triển sản phẩm tại văn phòng mới ở Hà Nội (Việt Nam), đã được khai trương vào tháng 6 năm ngoái.

Vào thời điểm đó, Tổng Giám đốc điều hành của Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương C S Chua, đã chia sẻ với Vietnam Investment Review rằng dân số trẻ và đang tăng nhanh gần 100 triệu người đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách khai thác nguồn nhân tài kỹ thuật đặc biệt.

Trong khi đó, ông Hartmut Hiller - Giám đốc điều hành cấp cao của Infineon cho biết trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ hỗ trợ Infineon Technologies đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thử nghiệm chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh, đặc biệt là "đối với các giải pháp Hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu trong ngành của chúng tôi".

Đầu tháng này, Infineon đã bắt đầu sản xuất chất bán dẫn điện silicon carbide tại nhà máy mới ở Malaysia. Đảm bảo nguồn cung cấp điện và nước đáng tin cậy là vấn đề đang diễn ra khi ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam mở rộng.

Các gã khổng lồ công nghệ các nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Renesas Electronics, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn tích hợp lớn nhất của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2004, khi thành lập nhóm thiết kế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Renesas Design Vietnam hiện là trung tâm thiết kế lớn nhất của công ty bên ngoài Nhật Bản. Renesas cũng đã thành lập các khóa học thiết kế bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam.

Các công ty thiết kế IC của Hàn Quốc như BOS Semiconductors cũng hợp tác với Hyundai và CoAsia, hợp tác với Samsung, mở các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Trong khi đó, Samsung Electro-Mechanics, Hana Micron Vina và Hanmi Semiconductor lần lượt sản xuất chất nền đóng gói, bảng mạch in và thiết bị đóng gói bán dẫn tại Việt Nam.

Các công ty thiết kế bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) GUC và Faraday Technology hiện mở các trung tâm thiết kế tại Việt Nam trong khi Alchip Technologies cũng có kế hoạch thành lập một trung tâm ở đây.

Ngân hàng đầu tư Đài Loan FCC Partners hiện đang hợp tác với FPT Software của Việt Nam để thành lập Quỹ phát triển bán dẫn Việt Nam.

"Việt Nam cũng có các công ty thiết kế bán dẫn riêng, bao gồm FPT Semiconductor và VN Chip. Với sự hỗ trợ của các trường đại học, vườn ươm khởi nghiệp, các tập đoàn lớn và tổ chức tài chính, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ưu đãi và trợ cấp về thuế, quốc gia Đông Nam Á này có thể mong đợi nhiều hơn nữa", trang Asia Times dẫn tin.

Hiện Mỹ đang mở rộng hiện diện ngành bán dẫn ở Việt Nam. Ngoài Intel, các công ty Mỹ hiện hoạt động tại Việt Nam bao gồm Microchip, Marvell, Qualcomm, Synopsis, Cadence, Savarti, Uniquify và Amkor.

Marvell, công ty chuyên về các giải pháp bán dẫn cơ sở hạ tầng dữ liệu, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế lớn thứ ba của họ sau Mỹ và Ấn Độ.

Microchip, công ty sản xuất vi điều khiển, tín hiệu hỗn hợp, thiết bị tương tự và các thiết bị khác, phát triển chip cho thị trường ô tô, công nghiệp, hàng không vũ trụ và quốc phòng, truyền thông, máy tính và tiêu dùng tại Việt Nam.

Qualcomm đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2003 và kể từ đó đã hợp tác với các nhà khai thác mạng và chính phủ để giới thiệu công nghệ viễn thông di động từ 2G đến 5G.

Synopsis, công ty tự động hóa thiết kế điện tử hàng đầu thế giới, có hơn 500 nhân viên tại Việt Nam.

Các công ty thiết kế bán dẫn của Mỹ là Savarti và Uniquify đã thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam, trong đó Savarti chuyên về các thiết bị tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp, còn Uniquify chuyên về thiết kế hệ thống trên chip (SoC).

Amkor, nhà cung cấp dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn (OSAT) lớn thứ hai thế giới, đã mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10/ 2023.

"Tọa lạc tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, gần Hà Nội, đây là nhà máy hiện đại", Tổng giám đốc điều hành Amkor Giel Rutten nói thêm./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ