• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế: Việt Nam dựa vào số hóa để 'tiếp sức' cho các công ty khởi nghiệp

Thế giới 12/07/2023 20:07

(Tổ Quốc) - Theo trang CNBC, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đang gặt hái những lợi ích đáng kể khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030.

Trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi số nhằm mục đích tăng tỷ trọng của nền kinh tế số trong tổng sản phẩm quốc nội từ 14% hiện nay lên 20% vào năm 2025.

Báo quốc tế: Việt Nam số hóa tiếp sức cho các công ty khởi nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Việt Nam hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách tập trung vào phát triển kinh tế số. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu các lĩnh vực số mở rộng khoảng 10% mỗi năm thì lợi ích tiền tệ tích lũy cho nền kinh tế sẽ vượt quá 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021- 2045 hoặc tương đương với quy mô GDP hiện tại của quốc gia.

Và ngành công nghệ đang được ưu tiên trong lộ trình hướng đến mục tiêu này. Năm 2021, Việt Nam thúc đẩy phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Một năm sau đó, lộ trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học được tiết lộ với cam kết dành 1% GDP cho nghiên cứu khoa học. Riêng năm ngoái, theo CNBC, Việt Nam đã thực hiện các cuộc khảo sát về đổi mới kinh doanh để theo dõi sự phát triển của các công ty khởi nghiệp.

Theo một báo cáo mới đây của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư vào năm 2022.

"Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng giao dịch ở Đông Nam Á và xếp thứ 4 trong giá trị giao dịch vào năm ngoái", báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam chỉ là 634 triệu USD vào năm 2022 — giảm 56% so với cùng kỳ năm trước - mức cao kỷ lục là 1,4 tỷ USD vào năm 2021. Trang báo nhận định, công nghệ tài chính Fintech, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán là những lĩnh vực có nhu cầu tài trợ cao nhất. "Những kỳ lân công nghệ" hiện tại của đất nước được nhắc đến là nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử VNPay, tập đoàn VNG - một Công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hay ví điện tử điện thoại thông minh Momo và công ty blockchain Sky Mavis – một nhà sản xuất trò chơi dựa trên NFT Axie Infinity.

Ngoài ra, những cái tên khác cũng đang tạo nên làn sóng như M Village, cung cấp nhà ở cho các chuyên gia trẻ tuổi hay TopCV, tập trung vào các công cụ tạo sơ yếu lý lịch cho người tìm việc.

Số hóa thúc đẩy phát triển đa ngành nghề

Quá trình số hóa tại Việt Nam cũng đóng góp vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Vào năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã công bố kế hoạch xây dựng nông thôn thông minh đến năm 2025, đặc biệt tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất và giới thiệu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chuyên biệt cho nông dân. Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp giúp những người nông dân ở quy mô nhỏ tăng thu nhập, chuyển đổi trang trại truyền thống sang nông lâm kết hợp, giúp cải thiện đa dạng sinh học và tiếp cận nguồn tài chính mà không phải trả lãi suất cao thông qua nền tảng gây quỹ cộng đồng.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng xác định các lĩnh vực trọng tâm cốt lõi bao gồm từ bán lẻ đến hậu cần. Công ty đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures đã đầu tư vào 17 công ty khởi nghiệp hỗ trợ công nghệ tại Việt Nam với mức định giá chung gần 200 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2018. Công ty này tin rằng chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và hậu cần, bao gồm các giải pháp vận chuyển và giao hàng sẽ phát triển. Người phát ngôn của công ty khẳng định mỗi công ty đều có tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn theo đà tăng lên của tiêu dùng khi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng tại Việt Nam.

Điển hình, VinaCapital - một trong những công ty đầu tư lớn nhất tại Việt Nam đã ưu tiên các công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp hỗ trợ công nghệ để cải thiện các hệ thống hiện có trong nông nghiệp, dịch vụ tài chính, hậu cần, truyền thông và bán lẻ. Các công nghệ mới nổi như chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo AI và cơ sở hạ tầng xe điện là một số lĩnh vực mà họ tin rằng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế trong tương lai.

Hiện tại, VinaCapital tiếp tục đầu tư vào các công ty thương mại điện tử bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua mạng xã hội và triển khai công nghệ trong các hoạt động kinh doanh liền mạch.

Thách thức phía trước

Mặc dù dòng vốn đang đổ vào lĩnh vực công nghệ số nhưng các nhà đầu tư vẫn cảnh báo về một số trở ngại có thể hạn chế tăng trưởng trong tương lai. Đứng đầu danh sách là khung pháp lý như thuế, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ dữ liệu cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho công nghệ.

"Việc thiếu nguồn nhân lực giỏi toàn cầu cũng là một vấn đề phổ biến. Mặc dù Việt Nam sở hữu nhân lực tốt và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình, phát triển, thiết kế và nhiều vai trò khác nhưng vẫn chưa đạt đến đỉnh cao của sự xuất sắc", ThinkZone lưu ý.

Trong khi đó, theo VinaCapital, đầu tư hạn chế cho nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn lớn là một trở ngại đáng kể cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Quỹ đầu tư VIC Partners cũng bày tỏ lo ngại về diễn biến suy thoái kinh tế toàn cầu. VIC Partners dự đoán các vấn đề về dòng tiền sẽ ảnh hưởng nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ vào năm 2023 và 2024 và khiến nhiều người trẻ tuổi theo đuổi các mô hình kinh doanh truyền thống. Chính điều này sẽ tước đi những ý tưởng mới của thị trường khởi nghiệp.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ