(Tổ Quốc) - Trong khi một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đã quá phổ biến thì số khác lại mang đến nhiều ngạc nhiên trong thời gian gần đây.
Theo trang Investopedia, thế giới có hơn 50 quốc gia sản xuất cà phê nhưng hầu hết sản lượng cà phê toàn cầu lại đến từ 5 nhà sản xuất hàng đầu: Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia.
Brazil
Sản xuất cà phê đã đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển đất nước của Brazil và cà phê tiếp tục là động lực cho nền kinh tế đất nước. Loại cây này lần đầu tiên được đưa đến Brazil vào đầu thế kỷ 18 bởi những người Pháp. Với sự phổ biến ngày càng tăng của cà phê ở châu Âu, Brazil đã trở thành nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới vào những năm 1840 và từ đó đến nay, khoảng 300.000 trang trại cà phê trải khắp Brazil.
Hơn 150 năm qua, Brazil là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Hiện tại, Brazil chiếm đến 1/3 tổng sản lượng cà phê trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Brazil dự kiến sẽ sản xuất 66,3 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm 2023-2024, chiếm khoảng 40% sản lượng của thế giới.
Khác với hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê khác, Brazil phơi khô quả cà phê dưới ánh nắng mặt trời (cà phê chưa rửa) thay vì rửa chúng.
Việt Nam
Còn khá mới đối với lĩnh vực thương mại cà phê quốc tế nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những nước sản xuất lớn nhất. Trong những năm 1980, Việt Nam đã đặt cược lớn vào phát triển cà phê và sản lượng đã tăng từ 20% đến 30% mỗi năm trong suốt những năm 1990, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất 27,5 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm 2023-2024, theo USDA.
Việt Nam hiện cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế bằng cách tập trung chủ yếu vào loại cà phê Robusta giá cả phải chăng hơn. Hạt Robusta có thể có lượng caffeine lên tới gấp đôi so với hạt Arabica, khiến cà phê có vị đắng hơn. Việt Nam cũng là nước sản xuất cà phê Robusta số 1 thế giới, chiếm 35% sản lượng toàn cầu trong năm 2023–2024.
Cà phê trồng ở Việt Nam cũng cho năng suất cao. Sản lượng cà phê của quốc gia này cao hơn đáng kể so với các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác.
Colombia
Một chiến dịch quảng cáo nổi tiếng về một nông dân trồng cà phê hư cấu tên là Juan Valdez của Liên đoàn cà phê Colombia (FNC) đã giúp xây dựng thương hiệu Colombia trở thành một trong những quốc gia sản xuất cà phê nổi tiếng nhất. Colombia nổi tiếng về chất lượng cà phê và dự kiến sẽ sản xuất 11,5 triệu bao cà phê loại 60 kg vào năm 2023-2024.
Trong vài năm qua, bắt đầu từ năm 2008, cây cà phê của Colombia đã bị ảnh hưởng bởi một loại bệnh trên lá được gọi là bệnh gỉ sắt cà phê. Sản lượng giảm mạnh nhưng kể từ đó đã phục hồi khi nước này thay thế cây bằng các giống kháng bệnh gỉ sắt. Hiện Colombia đứng thứ hai về sản lượng cà phê Arabica và hàng triệu người trên thế giới thích hương vị nhẹ nhàng, cân bằng của loại cà phê này.
Indonesia
Vị trí và khí hậu của Indonesia đã giúp nước này trở thành nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 trên thế giới. Tổng sản lượng, bao gồm Robusta và Arabica, là 9,7 triệu bao loại 60 kg trong năm 2023–2024. Indonesia có 1,2 triệu ha trồng cà phê; các trang trại nhỏ, độc lập chiếm phần lớn sản lượng, mỗi trang sở hữu từ 1 đến 2 ha.
Indonesia sản xuất một số loại cà phê đặc trưng được ưa chuộng, trong đó thú vị nhất là Kopi Luwak. Được thu hoạch từ những hạt cà phê đã được tiêu hóa do cầy hương ăn và đào thải, hạt cà phê này có hương vị đặc biệt. Quá trình thu thập và thu hoạch hạt khá phức tạp và kết quả là một trong những hạt cà phê đắt nhất thế giới. Với giá khoảng 35 - 100 USD một cốc, Kopi Luwak được phong là cà phê đắt đỏ nhất hành tinh.
Nông dân ở Indonesia khẳng định đây là loại cà phê ngon nhất trên thế giới. Bởi, cầy hương khá kén ăn, chúng chỉ chọn những trái cà phê chín nhất. Theo National Geographic, enzyme tiêu hóa của loài động vật này "thay đổi cấu trúc protein trong hạt cà phê, loại bỏ một số axit để tạo ra một tách cà phê uống êm hơn".
Ethiopia
Ethiopia giành lại vị trí số 5 trong năm 2023–2024 và dự kiến sẽ sản xuất 8,35 triệu bao loại 60 kg. Ethiopia hiện là nước sản xuất cà phê lớn nhất châu Phi và có tốc độ tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua, theo USDA.
Danh tiếng của Ethiopia không chỉ vì đó là cái nôi của cà phê, mà còn là vì nơi đó sản xuất ra cà phê tốt nhất thế giới. Cà phê Ethiopia được trồng khắp nơi ở vùng đất Nam Phi này. Nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng núi phía nam - nơi có độ cao và điều kiện tốt nhất cho sự phát triển./.