• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo thế giới đánh giá cao chiến lược đối ngoại hiệu quả của Việt Nam

Thế giới 24/07/2023 10:53

(Tổ Quốc) - Theo chuyên trang phân tích Peoples World, cách đây không lâu, Việt Nam còn là một trong những quốc gia rất khó khăn nhưng giờ đây, Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng và mang tính xây dựng trên trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có một trong những nhiệm kỳ thành công nhất với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một bên nỗ lực hoạt động trong Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Năm 2019, Hà Nội cũng đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Tờ Peoples World nhận định, để hiểu cách Việt Nam đạt được bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy trên trường quốc tế, điều quan trọng là phải hiểu các nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Và theo họ, có một số yếu tố luôn được Việt Nam coi trọng khi xây dựng chiến lược đối ngoại.

Báo thế giới đánh giá cao chiến lược đối ngoại hiệu quả của Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh tư liệu: TTXVN).

Chính sách đưa người dân lên làm đầu

Một trong những trụ cột chính phủ Việt Nam tuyên bố luôn tuân thủ khi đánh giá bất kỳ lựa chọn chính sách nào là mọi quyết định phải phục vụ người dân. Ưu tiên của Đảng là phục vụ nhân dân và đây cũng chính là nguyên tắc định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam. Dựa trên nguyên tắc này, Peoples World nhận định về bốn điều Việt Nam sẽ không làm là không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào; không đứng về phía nước này để chống lại nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình hoặc quân đội nước ngoài sử dụng lãnh thổ Việt Nam để tấn công nước khác; và Việt Nam sẽ không sử dụng đe dọa vũ lực trong quan hệ ngoại giao.

Bốn điều này là nền tảng để đảm bảo chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tin rằng không một quốc gia nào có thể thực sự tự do và độc lập nếu có các lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình. Các nguyên tắc này cũng nhằm mục đích làm rõ cho tất cả các quốc gia khác và các chủ thể quốc tế rằng chính phủ Việt Nam là một bên đáng tin cậy và đưa ra được các quyết định của riêng mình.

Bốn nội dung trên cũng hướng đến duy trì hòa bình trong khu vực. Việt Nam tin rằng để tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và hướng tới phát triển thịnh vượng, hòa bình và hợp tác quốc tế là những điều rất cần thiết. Trong khi nhiều quốc gia khác dành rất nhiều ngân sách cho quân sự thì Việt Nam muốn đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, y tế, hiện đại hóa và phúc lợi xã hội.

Là một quốc gia theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính phủ Việt Nam cũng luôn tin tưởng rằng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, bất kể hệ thống kinh tế xã hội của họ là gì, đều sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho người dân Việt Nam. Đó là điều cần thiết để Việt Nam còn khó khăn có thể tăng trưởng kinh tế và kiên định với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chính phủ Việt Nam luôn theo đuổi chính sách cùng tồn tại hòa bình với tất cả các nước.

Việt Nam cũng có một cách tiếp cận chính sách đối ngoại vượt ra ngoài quan hệ ngoại giao truyền thống giữa các quan chức nhà nước và các nhà ngoại giao. Chính phủ Việt Nam theo đuổi mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, lâu dài giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Những mối quan hệ này vượt ra ngoài ngoại giao truyền thống giữa các cơ quan chính quyền và chính phủ.

Ví dụ, trong lịch sử chiến tranh thế kỷ trước, Việt Nam đã phát triển quan hệ rất tốt với người dân Mỹ và trên toàn thế giới. Chính những người bạn này đã dành nhiều thập kỷ, từ năm 1975 đến năm 1995, để tìm cách vận động Mỹ tiến tới bình thường hóa quan hệ đối với Việt Nam.

Việt Nam trở thành một đối tác được tôn trọng

Ngày nay, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia được tôn trọng hơn trong nhiều giới ngoại giao, phần nào nhờ vào đường lối ngoại giao đúng đắn, ổn định và bền vững. Điều này phần nào khác với một số quốc gia khác, khi chính sách ngoại giao thay đổi mỗi khi có chính quyền mới. Ví dụ như nước Mỹ, đã có nhiều chính sách thay đổi giữa 3 đời tổng thống gần đây nhất là ông Obama, Donald Trump và hiện tại là ông Joe Biden. Nhiều đối tác của Mỹ hiểu rằng họ phải cực kỳ thận trọng khi nói đến quan hệ với Washington vì mọi thứ có thể thay đổi hoàn toàn bất cứ khi nào Nhà Trắng có người mới.

Về tổng thể, Peoples World nhận định rằng Việt Nam đang cho thế giới thấy một mô hình chính sách đối ngoại khác. Việt Nam góp phần khẳng định rằng một mối quan hệ ngoại giao hòa bình là có thể thực hiện được. Đồng thời, một quốc gia có thể thịnh vượng và phát triển khi theo đuổi hòa bình và ưu tiên các nhu cầu của người dân.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ