• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Vân Kiều gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Văn hoá 06/12/2022 14:45

(Tổ Quốc) - Việc tổ chức phục dựng thành công lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là hoạt động có ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về lòng tự hào, từ đó biết giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời gắn kết mục tiêu bảo tồn văn hóa dân tộc với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng.

Hướng Hóa là huyện miền núi, vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Trị. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã, thị trấn biên giới và thuộc khu vực biên giới; có 14 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 11 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư trên địa bàn, thông qua đó đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Cùng với các lĩnh vực, một trong những vấn đề luôn được địa phương quan tâm đó chính là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Vân Kiều gắn với phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Phục dựng lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại làng Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Vừa qua, Phòng VH&TT huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) đã tổ chức phục dựng thành công lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại làng Chênh Vênh. Đây là một trong những kết quả bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện.

Phòng VH&TT huyện Hướng Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 50% dân số là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm phần lớn, sống phân bổ hầu khắp. Từ bao đời nay, người Vân Kiều gắn bó với núi rừng. Chính môi trường sống đó đã dần hình thành nên những nét văn hóa hết sức độc đáo, được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bàn về các lễ hội của người Vân Kiều, đây được xem như là bức tranh đa sắc màu bởi hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc trưng về ẩm thực, trang phục, nhạc cụ và dân ca, dân vũ, các lễ cúng các vị thần theo hình thức truyền thống… Một trong những lễ hội tiêu biểu, quan trọng nhất trong đời sống của người dân đồng bào Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa chính là lễ hội "Mừng lúa mới".

Người dân Vân Kiều nơi đây cho hay, từ xa xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc mình trên dãy Trường Sơn. Do cuộc sống của bà con luôn gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Sự ra đời của lễ hội "Mừng lúa mới" cũng bắt nguồn từ đó.

Bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Vân Kiều gắn với phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh 2.

Lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

"Mừng lúa mới" là nghi lễ gắn với bản sắc văn hóa phi vật thể, phản ánh sâu bên trong tâm hồn của người Vân Kiều. Là dịp để bà con Vân Kiều báo cáo với thần linh rằng đã thu hoạch xong vụ mùa và xin tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, bản làng yên ấm. Lễ hội cũng là dịp để kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội "Mừng lúa mới" được chia ra hai phần chính là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, lễ cúng "Mừng lúa mới" được người dân Vân Kiều chuẩn bị rất chu đáo. Để có đầy đủ các lễ vật, các chàng trai Vân Kiều lên rừng, xuống suối để tìm kiếm những sản vật mà thiên nhiên ban tặng như cua, cá suối, mật ong rừng… Những cô gái Vân Kiều thì cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ.

Sau khi các sản vật đã được đưa về tới bản làng là tới công đoạn các chàng trai cô gái chia nhau các phần việc, làm các món ăn để bày trong mâm lễ cúng. Nam giới thì làm gian nước, gian củi, gian bếp, làm gà, làm heo, làm cá,... Nữ giới thì làm các loại gia vị, ngâm gạo, ngâm nếp để nấu cơm, nấu xôi; luộc sắn, luộc ngô, luộc khoai... Vì là một nghi lễ rất quan trọng nên tất cả đều được dân làng chuẩn bị chu đáo và trang trọng. Các lễ vật phải làm sao cho đầy đủ nhất, hấp dẫn nhất.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, các lễ vật sẽ được đặt vào mâm và dâng lên nhà sàn chính để tiến hành lễ cúng. Lúc này già làng, người lớn tuổi, có uy tín trong bản làng sẽ đại diện để thực hiện nghi lễ cúng bái. Theo nghi lễ truyền thống sẽ khấn vái tổ tiên và mời các vị thần linh như thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây cối về dự lễ để báo cáo sau khi kết thúc vụ mùa, đồng thời tạ ơn thần linh đã cho bản làng một năm mưa thuận, gió hòa.

Bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Vân Kiều gắn với phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh 3.

Các lễ vật được chuẩn bị trong mâm lễ cúng "Mừng lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Cùng với các lễ vật dâng cúng bao gồm heo, gà, cua, cá, các loại nông sản... thì phần lễ dâng cúng cũng không thể thiếu đó là khăn, áo, váy, và một số trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Với quan niệm thần lúa là nữ giới, nên trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều dâng kèm các trang phục truyền thống của nữ giới.

Sau khi phần lễ đã được thực hiện xong, tiếp đến sẽ là phần hội. Lúc này, trong tiếng khèn, tiếng đàn, làn điệu dân ca Tà oải, Oát xa nớt vốn là di sản văn hóa quý báu, đặc sắc của người Vân Kiều, dân làng cùng nhau ca các làn điệu dân ca truyền thống cầu chúc cho cuộc sống an bình, ấm êm. Đây cũng được xem là một trong những nét nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống, phán ảnh cuộc sống lao động, đồng thời thể hiện ước mơ của người dân Vân Kiều về cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc.

Nói về lễ hội "Mừng lúa mới", bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng VH&TT huyện Hướng Hóa cho hay, đây được coi là lễ hội đặc sắc nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với cộng đồng người dân tộc Vân Kiều. Tuy nhiên cho đến nay, với sự giao thoa văn hóa các vùng miền, nên lễ hội có phần bị mai một. Việc tổ chức phục dựng thành công lễ hội "Mừng lúa mới" là một hoạt động rất có ý nghĩa, nâng cao ý thức của cộng đồng về lòng tự hào, từ đó biết giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời gắn kết mục tiêu bảo tồn văn hóa dân tộc với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ