(Tổ Quốc) - Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay đối với những người làm công tác văn hóa và được chính chủ thể là đồng bào các dân tộc quan tâm.
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, là mộc chỉ dấu quan trọng mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử… của các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay đối với những người làm công tác văn hóa và được chính chủ thể là đồng bào các dân tộc quan tâm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc trả lời phỏng vấn. Ảnh: Minh Khánh
PV. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua, nhưng công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nguyên nhân là do đâu thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Nguyên nhân khách quan đầu tiên phải nói đến là không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số ngày càng bị thu hẹp do xu thế đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng nhanh, mạnh tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Không gian thực hành văn hóa như các nghi lễ, lễ hội chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Không gian văn hóa, sinh hoạt ngày càng biến đổi; môi trường giao thoa văn hóa…
Quá trình đô thị hóa ngày càng sâu rộng dẫn đến diện tích đất canh tác trồng cây nguyên liệu cho nghề thủ công truyền thống của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số càng ngày bị thu hẹp. Nghề dệt, nhuộm thủ công truyền thống chưa quan tâm sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, quảng bá và giới thiệu sản phẩm... Sự thương mại hóa có tác động ngày càng sâu rộng đến các bản, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tiện lợi, thời gian hoàn thành bộ trang phục, giá thành về sản phẩm trang phục truyền thống đắt gấp nhiều lần so với trang phục bán trên thị trường.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự du nhập các loại hình văn hóa thông qua internet, phim, ảnh và các trang mạng xã hội, khách du lịch... đã tác động không nhỏ đến nhận thức và thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân.
Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn văn hóa nói chung và trang phục truyền thống các dân tộc nói riêng bên cạnh công tác phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, dẫn đến việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa như mong muốn. Đặc biệt là nhận thức của chính những người dân - những chủ thể văn hóa đối với về vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống chưa được thống nhất và đầy đủ. Xu hướng sử dụng bởi sự tiện ích của trang phục phổ thông trong lớp trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác bảo tồn giá trị của trang phục truyền thống. Nhiều sinh hoạt văn hóa, từ lễ hội đến biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiềm ẩn nguy cơ không giữ được những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời.
PV. Vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những giải pháp gì trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong thời gian qua?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai "Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng bản, buôn truyền thống các dân tộc thiểu số" vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Qua đó, các thiết chế văn hóa, các giá trị văn hóa như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống, trang phục truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được quan tâm. Trong đó, các lễ hội là không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc thể hiện những bộ trang phục truyền thống.
Bộ còn phối hợp với các địa phương khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người cho các dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người, trong đó có các nghề như: thêu dệt thổ cẩm, in vẽ sáp ong...; Tổ chức triển khai Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020.
Ngoài ra, Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam… Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã kịp thời được bảo tồn và phát huy, trong đó có trang phục truyền thống, đã góp phần tạo động lực phát triển văn hóa, du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh vùng dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, mới đây Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Có thể nói, Đề án là một bước tiến mới nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự coi trọng của các cấp ngành Trung ương và địa phương, khơi dậy sự quan tâm, góp sức của toàn thể xã hội đối với Công tác dân tộc, đặc biệt là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số - những chủ thể văn hóa, chủ thể sáng tạo về ý thức giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống.
PV. Mục tiêu của Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" muốn hướng tới là gì, thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2021: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khôi phục trang phục truyền thống của 03 dân tộc đã mai một. Vinh danh từ 05 - 10 nghệ nhân ưu tú; nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống.
Bên cạnh đó, tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng công nghệ 4.0; 20 lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Xây dựng 05 mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống; 05 mô hình bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống.
Đồng thời, tổ chức 02 cuộc Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; Tổ chức 03 Ngày hội "Sắc màu văn hóa các dân tộc", Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam...; Xây dựng trang web giới thiệu quảng bá về trang phục truyền thống gắn với quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số; Định kỳ tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với các lễ hội văn hóa hoặc các sự kiện của địa phương.
Giới thiệu nhiều hơn nét đẹp của trang phục dân tộc bằng việc kết hợp với các hoạt động liên hoan là một trong những định hướng trong việc bảo tồn trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Đến năm 2022, Đề án phấn đấu: 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 02 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Hỗ trợ 05 điểm giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống.
Giai đoạn 2026 - 2030: Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vinh danh từ 20 - 30 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng công nghệ 4.0; 10 lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại các tỉnh, thành phố; Tổ chức 02 cuộc Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; Tổ chức 03 Ngày hội "Sắc màu văn hóa các dân tộc", Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam; Hỗ trợ 15 điểm giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống…
Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số luôn là vấn đề mà những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu, đội ngũ các nghệ nhân trăn trở, bởi trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện "mặc" mà còn là nét đẹp biểu trưng của đời sống văn hóa, tín ngưỡng, cũng như tiến trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn là vấn đề cấp bách nhất là trong xu thế hội nhập phát triển hiện nay.