• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách

Văn hoá 19/11/2022 15:27

(Tổ Quốc) - Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay" đã diễn ra sáng 19/11 tại Làng Văn hóa –Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức, là hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, năm 2022.

Trang phục là bản sắc dân tộc

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: Hội thảo nhằm thống nhất quan điểm, đánh giá thực trạng về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của việc bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; tạo sự thống nhất về mục đích, yêu cầu của việc bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc; đề xuất các giải pháp có tính khả thi.

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

“Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số ở nước ta đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống của mỗi tộc người. Nhiều người trong số chúng ta từng phải thán phục trước sự sáng tạo, khéo léo trong kỹ năng cắt may, thiết kế vừa kín đáo nhưng vẫn làm nổi bật nét đẹp hình thể của người phụ nữ qua bộ y phục. Có thể ví dụ người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ.... với bộ y phục mang màu sắc sặc sỡ, kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả màu sắc và âm thanh. Nữ phục người Thái, Mường với những gam màu có sự tương phản giữa váy - áo hay trang trí, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển của người phụ nữ…”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết thêm.

Theo Ban tổ chức, các dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó trang phục là một thành tố văn hóa chứ đựng nhiều giá trị, bản sắc, là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trải qua các thời kì lịch sử, các dân tộc thiểu số đã tạo dựng được bản sắc riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống mỗi tộc người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau, chịu nhiều ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc thiểu số đang có sự biến đổi nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có dân số rất ít, tộc người sinh sống ở địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao...

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ ngày càng ít dần. Do đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng, làm thế nào để đồng bào các dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa, nhất là thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa các dân tộc hòa nhập, phù hợp văn hóa của nhân loại nhưng không hòa tan... là vấn đề đã, đang đặt ra với nhiều thách thức.

Thách thức trong bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số

Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới; sự tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân rất ít người, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao…

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội thảo

Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ cũng ngày càng ít dần. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, làm thế nào để các dân tộc thiểu số, thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa… là vấn đề đã và đang đặt ra với nhiều thách thức.

Các đại biểu cũng cho thấy thực trạng là nhận thức, tâm lý của chính đồng bào. Nhiều người, thậm chí có không ít cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục truyền thống dân tộc mình, có người còn e ngại khi mặc. Có thực tế không thể phủ nhận là một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số có tâm lý tự ti, mặc cảm khi sử dụng trang phục dân tộc khi giao tiếp xã hội, nhiều người "ngại" mặc trang phục dân tộc...

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo

Cụ thể, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Uỷ ban dân tộc) cho hay đang có thực trạng chỉ trong các dịp lễ, tết, hội, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống, nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau, bày bán trên thị trường. Việc không sử dụng trang phục truyền thống dân tộc mình ngày càng phổ biến ở một số dân tộc, nhất là nhóm dân tộc có dân số ít.

“Trang phục truyền thống của một số dân tộc bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, dẫn đến khó phân biệt trang phục của dân tộc nào. Nguyên nhân là bởi nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa gây tốn kém. Trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm giờ đây cũng còn rất ít. Mặt khác, đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng thổ cẩm hiện đang bán trên thị trường. Điều đó khiến đồng bào không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một”, ông Đinh Xuân Thắng nêu.

Bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách - Ảnh 5.

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số chứa đựng bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc đó

Nhiều đại biểu khẳng định: Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay. Để việc giữ gìn, phát huy bản sắc trong trang phục truyền thống của các dân tộc trở thành ý thức văn hóa chung cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, trong đó chú ý tới việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, vai trò, tác động của giáo dục phổ thông, các phương tiện thông tin đại chúng, nhà thiết kế - may mặc, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của đồng bào các dân tộc.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, mỗi người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, khai mạc các tổ chức đoàn thể, ngày hội. Cần khuyến khích vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch cần mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản nhưng quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch, từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nêu rõ, cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dang thực hiện như bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số, xây dựng bảo tàng sinh thái, xây dựng không gian sinh thái văn hóa tộc người...

Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm: Khi môi trường và không gian văn hóa thay đổi, trang phục và nhiều thành tố văn hóa của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, nhà ở, phong tục... không còn không gian thích hợp để tồn tại, phát huy. Muốn bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống, cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Đó là những lễ hội truyền thống của từng cộng đồng, ngày hội văn hóa riêng của từng dân tộc hoặc các dân tộc để thường xuyên giao lưu giữa các cộng đồng với nhau. Đây cũng chính là cơ hội để đồng bào các dân tộc chung vui, tự hào khoe sắc trong các bộ trang phục truyền thống.../.



Bài&ảnh: Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ