(Tổ Quốc) - Theo ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt nam tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Bình phải gắn với chính sách phát triển của tỉnh, của vùng, vừa đảm bảo tính toàn diện nhưng phải chú ý đến tính đặc thù của từng dân tộc và từng tộc người. Cần tăng cường sự tham gia, tư vấn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa để kịp thời kiến nghị, chỉnh sửa những bất cập của một số chính sách cho phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với dân tộc Chứt.
- 27.10.2024 Bảo tồn và phát huy Di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số- Bài 2: Thuận lợi và thách thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể
- 24.10.2024 Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số- Bài 1: Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình
Cần chung tay trong việc bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Coi trọng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về văn hoá, đây là nhân tố quan trọng trong việc thực thi các mục tiêu, đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể (VHPVT) nói riêng của dân tộc ít người ở Quảng Bình hiện nay.
Đặc biệt, cần đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng. Để thực hiện được điều này, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa nói chung, VHPVT nói riêng của đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm sao để đồng bào dân tộc xem việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mình là nhiệm vụ tự thân và là niềm tự hào của chính dân tộc mình.
Điều cần thiết đó chính là việc xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống sinh kế của đồng bào dân tộc của các địa phương. Các bản, liên bản cùng dân tộc cũng chính là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung văn hóa phi vật thể nói riêng, trong đó chú trọng phát huy vai trò người dân - chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa - những người có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tốt nhất các giá trị VHPVT với nòng cốt là các già làng, các nghệ nhân nắm giữ trí thức dân gian là người dân tộc thiểu số.
Thực hiện các mô hình bảo tồn văn hóa có hiệu quả, phổ biến và nhân rộng các mô hình bảo tồn văn hóa được triển khai tốt có hiệu quả, nhất là các mô hình vừa bảo tồn được các giá trị VHPVT vừa phát triển được kinh tế thông qua du lịch …tạo niềm tin và tính tích cực trong bảo tồn và phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này chúng ta cần phải thống kê và tư liệu hóa các loại hình VHPVT của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình và xác định gìn giữ, phát huy giá trị VHPVT các dân tộc ít người không phải là việc làm trong thời gian ngắn mà là quá trình lâu dài, bắt đầu từ sự khởi động của các cấp chính quyền sau đó là sự chuyển giao cho các chủ thể thực hiện, hưởng thụ và phát huy giá trị VHPVT đó chính là người dân.
Ngành Văn hóa cần chú trọng công tác truyền dạy, chuyển giao về vốn văn hóa truyền thống nói chung, VHPVT nói riêng của đồng bào DTTS Quảng Bình. Truyền dạy và chuyển giao có nhiều hình thức như: chuyển giao bằng thực hành trực tiếp của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ. Chuyển giao bằng hình thức tổ chức các lớp truyền dạy do chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước về văn hóa tổ chức trên cơ sở mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy… từ đó tạo nên hiệu ứng tích cực để bảo tồn văn hoá..
Gắn với việc phát triển du lịch
Đối với tỉnh Quảng Bình, nếu văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số có phương án bảo tồn, phát huy thích hợp thì sẽ có khả năng sinh kế nhất là phát triển du lịch. Bảo tồn phải đảm bảo hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình di sản VHPVT để sản phẩm du lịch văn hóa có tính hấp dẫn, phong phú, đậm bản sắc văn hóa, như kết hợp giữa yếu tố lễ hội, âm nhạc truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc trưng, phương thức canh tác, phong tục cưới xin, nhà ở… thêm vào đó là cảnh quan môi trường tự nhiên sẵn có để tạo nên sức hấp dẫn cho du khách và khả năng phô diễn VHPVT của các nghệ nhân và đồng bào trong cộng đồng dân tộc.
Chúng ta cần lựa chọn mô hình mẫu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng cần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, cấu trúc bản, nhà ở, giao thông, môi trường tự nhiên và khả năng đồng thuận của cộng đồng… chọn một vài bản tiêu biểu còn bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, phong tục tập quán, kho tàng văn nghệ dân gian, nhà cửa, truyền thống, phương tiện vận chuyển, dụng cụ sinh hoạt gia đình, ẩm thực, trang phục… để đầu tư điểm sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình cũng cần có sự chung tay của toàn xã hội. Xã hội hóa không có nghĩa công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa ph nói riêng chỉ là có chủ nhân kết hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác du lịch mà phải có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết giữa chủ nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung VHPVT nói riêng đối với đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Quảng Bình đang cùng cả nước tiến nhanh trên con đường hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Trên con đường đó, những di sản văn hóa ở địa phương nói chung, di sản VHPVT các đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đang và sẽ được bảo tồn và phát huy tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội thông qua khai thác du lịch bền vững của Quảng Bình./.