• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự đồng hành của hệ thống chính trị

Văn hoá 08/06/2019 14:28

(Tổ Quốc) - Đây là ý kiến được nêu tại hội thảo Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tổ chức.

Trong bối cảnh văn hóa các dân tộc thiểu số đang bị mai một, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là vô cùng cần thiết. Nhiều lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số cần bảo tồn được đặt ra trong đó có trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán...

Người trẻ không biết tiếng nói của dân tộc mình

Đây là hiện tượng đáng báo động ở nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hầu hết các gia đình dùng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để trao đổi, trò chuyện với các em nhỏ. Điều này có lợi là các em tiếp cận với tiếng phổ thông nhanh hơn, tốt hơn khi đi học tiểu học. Tuy nhiên, cũng vì thế mà các em sẽ mai một vốn tiếng dân tộc bản địa.

Chưa kể, với công tác lưu trữ, sưu tầm còn nhiều hạn chế, việc sưu tầm, phục dựng và truyền dạy chữ viết của các dân tộc thiểu số hầu như không còn. Hiện chỉ có số ít các dân tộc thiểu số còn lưu giữ được chữ viết như Tày, Thái, Mường…

Câu chuyện về việc gìn giữ ngôn ngữ của người Thái là một ví dụ. Dân tộc Thái là một trong những tộc người thiểu số có số lượng đông nhất nước ta, cũng có chữ viết từ sớm; nhưng từ những năm 70 của thế kỷ 20 trở lại đây, tiếng Thái rất ít được dùng. Chỉ có đài phát thanh, truyền thanh ở các huyện, thị xã còn có chương trình tiếng Thái; còn trong giao tiếp hằng ngày ở thành thị, thậm chí tại nhiều gia đình có bố mẹ là người Thái, chỉ toàn dùng tiếng phổ thông. Ở nông thôn, một số nhà vẫn dùng tiếng Thái nhưng rất ít. Hiện số người biết viết chữ Thái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các trường học cũng chỉ dạy bằng tiếng phổ thông. Ngôn ngữ dân tộc thiểu số không được giảng dạy như một song ngữ cho chủ thể văn hóa, cho nên ngày càng mất chỗ đứng trong đời sống hằng ngày.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự đồng hành của hệ thống chính trị - Ảnh 1.

Vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số luôn được sự quan tâm của ngành VH, các nhà nghiên cứu, xã hội

TS Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, lại chia sẻ câu chuyện khẩn cấp về ngôn ngữ của chính gia đình mình - một gia đình người Dao đang làm nghiên cứu văn hóa Dao.

Bố bà là tiến sĩ người Dao đầu tiên bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài. Hai anh của bà cũng đều nghiên cứu văn hóa Dao. Tuy nhiên, mỗi lần đi điền dã, họ đều phải nhờ tới phiên dịch. "Có tới 9 nhóm Dao, phương ngữ có sự khác biệt giữa mỗi nhóm. Tôi khao khát làm từ điển tiếng Dao. Người đọc được chữ Nôm Dao không nhiều", bà nói. Trong khi đó, ngôn ngữ là điều không thể thiếu nếu muốn giữ văn hóa dân tộc. Việc dạy tiếng dân tộc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng bị lãng quên.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

PGS.TS Trần Hữu Sơn vẫn nhớ câu chuyện thờ cúng rừng ở vùng núi phía bắc mà ông tới nghiên cứu. Tại đó, những nơi nào có thờ cúng rừng thì rừng còn. "Cũng một xã, nhưng người Hà Nhì tôn thờ thần rừng thì không sao, nhưng người Dao phá đi thì lũ quét lũ ống 25 năm qua xảy ra thường xuyên", ông nhớ lại. Theo ông, việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thiên nhiên đã được thiêng hóa là tôn giáo tín ngưỡng. Vì thế, cũng cần tôn trọng người hành nghề tôn giáo tín ngưỡng này. Trong cộng đồng, họ có tri thức, có uy tín như già làng. "Nên nhiều vùng, người ta muốn bầu thầy cúng làm già làng. Thậm chí, có thể cho hành nghề thầy cúng. Trao danh hiệu thầy cúng và quy định cấm thầy cúng làm một số điều. Chẳng hạn, không được tuyên truyền chỉ cần cúng là khỏi bệnh, không cần đi bệnh viện...", ông Sơn nói.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự đồng hành của hệ thống chính trị - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm công nhận nghề thầy cúng sẽ hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật

Ông cũng cho rằng, việc công nhận nghề thầy cúng sẽ hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật. Chẳng hạn, người Mông có nét văn hóa là âm nhạc của khèn, khèn lại chính là tín hiệu giao lưu với thần linh. Dân ca dân vũ trong các nghi thức cúng cũng vậy. "70% nghệ nhân ở miền núi làm thầy cúng hoặc biết cúng", ông Sơn phân tích. Tương ứng với nó, theo ông Sơn, những nghệ nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu cúng chính là thầy cúng - là những ông đồng bà cốt.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, hiện đang có những đề án lớn về tri thức Việt số hóa do Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, có các số liệu, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số sẽ được Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia được tổng hợp và đưa lên mạng để mọi người tiếp cận thuận lợi.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa-du lịch… Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đặt ra ngày càng cấp bách. Ý kiến của các đại biểu đưa ra những đề xuất, giải pháp cũng như nhấn mạnh: Việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số phải cụ thể, thiết thực, không chỉ là việc của từng cộng đồng dân tộc mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả mọi người.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự đồng hành của hệ thống chính trị - Ảnh 3.

Văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ, phát huy, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc

Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn "tư lệnh" ngành VHTTDL trong các phiên chất vấn của Quốc hội. Trong phiên trả lời chất vấn tuần qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu những giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gồm: tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc; xuất bản các sách báo, ấn phẩm bằng ngôn ngữ của đồng bào; khuyến khích các tác phẩm văn hóa nghệ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường thuyết minh phim, sản xuất phim sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; Phục dựng các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, lễ hội... của đồng bào các dân tộc thiểu số; Trình UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại….

Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm của các tổ chức, xã hội, với các giải pháp đồng bộ mà ngành VHTTDL đã nêu, văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ, phát huy, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ