• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Lâm Đồng: Động lực phát triển du lịch bền vững

Văn hoá 07/10/2024 14:04

(Tổ Quốc) - Tỉnh Lâm Đồng, nơi hội tụ của hơn 40 dân tộc thiểu số, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Văn hóa của các dân tộc thiểu số không chỉ là di sản quý giá mà còn là tài sản lớn để phát triển du lịch bền vững.

Trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trở thành một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng, nơi có 48 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Văn hóa truyền thống định hình bản sắc văn hóa địa phương và quốc gia

Lâm Đồng sở hữu một kho tàng tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc với nhiều phong tục tập quán; hệ thống trang phục đa dạng về kiểu dáng, sắc màu của người Thái, Tày, K'ho, Churu, Mạ,..; kiến trúc nhà dài độc đáo; lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như: Lễ hội Nhô Lir bong (mừng lúa mới), Lễ Nhơu Phú (cầu mùa) tại Lạc Dương, Lễ Nhô Dơng (lễ cầu mưa) huyện Đam Rông, Lễ cưới của người K',ho, Lễ vào Nhà mới,...; hệ thống truyện kể đa dạng của dân tộc K,ho, Mạ, Churu; 17 loại hình văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc.

Địa phương này còn có 15 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa phi vật thể và hàng trăm nghệ nhân nắm giữ các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc như cồng chiêng, truyện dân gian, thổ cẩm, đan lát, nhẫn bạc...

Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình bản sắc văn hóa của tỉnh và đất nước. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng cùng các tỉnh Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Lâm Đồng: Động lực phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Biểu diễn cồng chiêng.

Không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, văn hóa truyền thống còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Tham gia các tour cộng đồng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Lâm Đồng, mà còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc, từ việc tham dự lễ hội đến thưởng thức các món ăn truyền thống hay học cách làm nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ bảo tồn những giá trị di sản vật thể và phi vật thể, mà còn bảo vệ tinh hoa của những thế hệ đi trước. Đây là nguồn tài sản vô giá mà thế hệ trẻ cần tiếp tục duy trì và phát huy để giữ gìn bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhiều khó khăn và thách thức

Mặc dù văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng nhưng việc bảo tồn và phát huy các giá trị này lại gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là tác động của kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa.

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã làm thay đổi nhiều khía cạnh đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ dần tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn. Vì thế, các phong tục tập quán truyền thống dần bị phai mờ.

Thêm vào đó, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa từ các khu vực khác cũng làm giảm sự gắn kết với những giá trị truyền thống của người dân tộc thiểu số. Nhiều nghi lễ và phong tục tập quán không còn được duy trì thường xuyên, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

Các nghi lễ dân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc vốn là linh hồn của văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một, trong khi không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cũng bị thu hẹp do quá trình hiện đại hóa và thay đổi lối sống.

Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng là một thách thức lớn trong việc bảo tồn văn hóa. Các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi nguồn lực lớn, từ việc duy trì, phục dựng các lễ hội đến đào tạo và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động này tại Lâm Đồng vẫn còn hạn chế, khiến nhiều kế hoạch bảo tồn văn hóa gặp khó khăn trong việc triển khai.

Một thách thức khác là đội ngũ nghệ nhân, những người nắm giữ kiến thức và kỹ năng về văn hóa truyền thống, đang ngày một già đi. Việc thiếu hụt lớp kế cận có khả năng tiếp nối truyền thống đang tạo ra khoảng trống lớn trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Lâm Đồng: Động lực phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng không chỉ là di sản quý giá mà còn là tài sản lớn để phát triển du lịch bền vững.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Để bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả, đồng thời phát triển du lịch bền vững, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.

Đầu tiên, cần đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc giáo dục về văn hóa dân tộc không chỉ giúp giới trẻ hiểu biết về di sản của mình mà còn tạo động lực để họ tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn. Các chương trình giáo dục về văn hóa có thể được lồng ghép vào các hoạt động du lịch trải nghiệm, giúp du khách và người dân địa phương cùng nhau khám phá và gìn giữ di sản.

Thứ hai, việc kết hợp văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi bền vững. Các làng văn hóa dân tộc thiểu số, như làng Churu ở Đơn Dương hay làng K'ho ở Lạc Dương, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Những trải nghiệm thực tế như tham gia nghi lễ cồng chiêng, thưởng thức món ăn truyền thống hay học cách làm nghề thủ công giúp du khách hiểu thêm về văn hóa bản địa, đồng thời đóng góp vào việc bảo tồn di sản.

Việc phát triển các mô hình du lịch homestay, du lịch sinh thái gắn với văn hóa truyền thống cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Các hoạt động du lịch này vừa giúp bảo tồn văn hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà vẫn giữ được bản sắc riêng.

Cuối cùng, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và các tổ chức quốc tế trong việc đầu tư vào hạ tầng du lịch và văn hóa. Chính phủ cần tăng cường đầu tư phục dựng các di sản văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức du lịch tham gia vào quá trình bảo tồn văn hóa, thông qua việc xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, sử dụng các giá trị văn hóa bản địa làm điểm nhấn.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Lâm Đồng không chỉ là nhiệm vụ cấp bách để giữ gìn di sản mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển du lịch bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự kết hợp giữa chính quyền, cộng đồng dân cư và ngành du lịch, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tạo dựng hình ảnh một Lâm Đồng đa dạng về văn hóa và phát triển bền vững trong tương lai.

Tour cồng chiêng Đà Lạt phục vụ khách du lịch.

H.An

NỔI BẬT TRANG CHỦ