• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng

Văn hoá 25/11/2023 20:13

(Tổ Quốc) - Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh hường xuyên diễn ra trên môi trường internet. Phải bảo hộ ra sao đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng?

Theo bà Phạm Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khi công nghệ phát triển, Internet đã đem lại những lợi ích cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng, cho việc sáng tạo và khai thác, cũng như phổ biến tác phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi hơn, quy mô rộng lớn hơn. Ở khía cạnh tích cực, Internet giúp cho tác giả, các chủ sở hữu quyền tác giả có thể quảng bá tác phẩm của mình tới đông đảo khán giả một cách thuận tiện và tiết kiệm hơn nhiều so với phương thức truyền thống trước đây. Internet cũng giúp thương mại hóa các sản phẩm này một cách dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng - Ảnh 1.

Vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng khá phổ biến

Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực cũng có những tác động tiêu cực đến việc bảo hộ quyền tác giả, môi trường Internet cũng tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả, trong đó có nhiều thách thức về mặt pháp lý. Mặt khác, Internet tạo điều kiện cho người sử dụng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. Với hàng triệu triệu người sử dụng Internet và hàng triệu website như hiện nay, việc kiểm soát tất cả nội dung đăng tải trên tất cả các website để đảm bảo cho việc bảo hộ quyền tác giả là điều vô cùng khó khăn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép của chủ thể quyền đối với phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình hiện nay vẫn còn xảy ra, đặc biệt là vi phạm trong môi trường Internet, như phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất hoặc phim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi lại và phát tán trên mạng internet. Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm...

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi hơn. Một số cá nhân, tổ chức đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính.

Trên thực tế, với hàng trăm website có khai thác, sử dụng phim tại Việt Nam, trong đó phần lớn tác phẩm được sử dụng trái phép thì có thể thấy số lượng tác phẩm điện ảnh bị vi phạm quyền tác giả sẽ rất lớn. Tuy nhiên, đây không phải là tình trạng cá biệt ở Việt Nam mà còn là tình trạng chung tại rất nhiều quốc gia.

Theo bà Phạm Kim Oanh, Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT quy định chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: (1) Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (2) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (3) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; (4) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó, các biện pháp gắn liền với công nghệ, kỹ thuật phù hợp để áp dụng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên môi trường mạng là biện pháp số 1 và số 2.

Đặc biệt, tại lần sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2022, đã bổ sung một điều - Điều 198b quy định trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Tại Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/4/2023 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan đã quy định riêng một mục 7 thuộc Chương VI về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng - Ảnh 2.

Bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Theo quy định, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có chức năng "lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu" - hosting sẽ phải thực hiện gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 113) hoặc yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 114). Về thời hạn, Điều 113 quy định thời hạn gỡ bỏ hoặc chặn truy nhập không chậm hơn 24 giờ; Điều 114 quy định thời hạn xử lý bước đầu (tạm gỡ bỏ hoặc chặn truy nhập) trong vòng 72 giờ, đồng thời quy định bên bị gỡ bỏ hoặc chặn truy nhập có cơ chế để phản hồi lại thông qua chủ thể đứng giữa là doanh nghiệp trung gian, và hướng các bên có tranh chấp khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đối với các nội dung phim phát trực tiếp, khoản 2 Điều 114 cũng quy định cơ chế riêng, trong đó yêu cầu chủ thể quyền phải chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tới doanh nghiệp trung gian trước khi phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng.

Cơ chế này là nội dung mới của pháp luật về quyền tác giả, thể hiện chính sách đổi mới về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng hiệu quả, khả thi, có tính chất như một biện pháp khẩn cấp tạm thời, là giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra của chủ thể quyền, nhà đầu tư khi mà tác phẩm điện ảnh bị truyền đạt trái phép trên mạng. Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Điện ảnh cũng có quy định các trách nhiệm của chủ thể trung gian bao gồm: tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số; tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP đã quy định "Các nội dung của phim vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan". Do đó, đối với các xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế của pháp luật về quyền tác giả là chủ thể quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp trung gian gỡ bỏ phim vi phạm khi cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định.

Theo bà Phạm Kim Oanh, để khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng đáp ứng sự phát triển công nghệ và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như các đòi hỏi từ cam kết quốc tế.

Các chủ sở hữu quyền tác giả cần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý để bảo vệ các quyền của mình.

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Xây dựng chương trình phối hợp, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi nhằm tạo ra cơ chế hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức thuộc hệ thống các cơ quan quản ý và thực thi trong phòng chống các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh.

Xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Ngoài ra, bà Phạm Kim Oanh đề xuất nghiên cứu thành lập tòa án xét xử chuyên biệt về quyền tác giả, quyền liên quan./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ