(Tổ Quốc) - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em tại Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em diễn ra ngày 23/11.
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực, ưu tiên và giành được nhiều két quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung.
Cụ thể, trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam xác định rất rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Việt Nam là một trong số 69 quốc gia có đề án chăm sóc về trẻ em.
Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh với những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự sây sát. Bênh cạnh đó, nhận thức của người dân, cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiều điểm chưa đúng theo xu thế mới.
Theo một báo cáo gần đây nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng mấy ngàn vụ xâm hại được ghi nhận trên 25 triệu trẻ em. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận của quốc tế thì có tới 68% số trẻ em được khảo sát bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau như: roi vọt, câu nói, thái độ gây tổn thương.
Về lĩnh vực giáo dục, y tế cho trẻ em, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. "Trong giáo dục miền núi chúng ta phải có những biện pháp cụ thể như tổ chức lại trường lớp, trường nội trú, bán trú, bếp ăn để các em không phải bỏ học, được ăn no khi đến trường" – Phó Thủ tướng nói.
Về một số điểm cần tập trung trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết cần phải hành động thật cụ thể với những mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 cũng như khuyến nghị từ chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về trẻ em.
"Chúng ta không thể hài lòng khi đã ban hành xong văn bản" Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Phải hình thành nhanh nhất mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em gồm các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng, tổ chức hoạt động nhân đạo".
"Khi người dân đã hành động thì khó mấy cũng làm được, nếu không thì có nhiều văn bản đến mấy cũng không làm được" - Phó Thủ tướng khẳng định.