(Tổ Quốc) - Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ VHTTDL công nhận trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để xét duyệt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ và phát huy giá trị di sản này như thế nào là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nghệ nhân quan tâm.
Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái
Xòe là một loại hình vũ điệu dân gian độc đáo của người Thái ở Tây Bắc. Các điệu Xòe xuất phát từ nghi lễ Then mang tính shaman giáo và dần dần Xòe được trình diễn trong các sự kiện văn hóa, xã hội như trong các lễ hội cộng đồng, trong các cuộc vui, những sự kiện văn hóa.
Theo các nhà nghiên cứu, Xòe mang tính biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái và có nhiều ý nghĩa, chức năng đối với cuộc sống tinh thần của người Thái ngày nay. Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay, Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách, là dấu ấn văn hóa của tộc người và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.
Xòe có giá trị văn hóa, tâm linh mang tính cộng đồng cao của người Thái Tây Bắc
Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống lao động. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa…Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng trong trong sự hòa đồng của tất cả mọi người.
Nói đến người Thái là người ta nghĩ đến biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như Xòe, cũng như nói đến Xòe là người ta biết đó là của người Thái ở Tây Bắc. Đó là giá trị đặc trưng gắn kết không thể tách rời của di sản này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền- Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Đối với Xòe, nếu chỉ nhìn vào các động tác thì chưa đủ, cái hồn cốt và ý nghĩa xã hội của nó mới là điều tạo nên giá trị của Xòe. Đó là sự kết nối, là sự thể hiện tình cảm, tạo nên sự thăng hoa cũng như cộng cảm, sự gần gũi thân thiện giữa con người với con người. Qua Xòe, chúng ta có thể tin rằng, người Thái cởi mở, sống trong cộng đồng đùm bọc nhau và Xòe chính là cái tạo ra sự cởi mở, đùm bọc đó".
"Cái nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết, sự gắn bó tình cảm không khoảng cách giữa những người tham gia. Khi đã vào vòng Xòe rồi thì không phân biệt già trẻ, địa vị đều có thể nắm tay nhau hết sức tự nhiên và người ta rất vui vẻ, không có khoảng cách gì. Cách thể hiện sự cởi mở, chan hòa của người Thái trong các điệu Xòe vòng là muốn truyền tình cảm đến mọi người xung quanh thông qua việc mình cùng nắm tay nhau, cùng đi theo một nhịp điệu, cùng theo một điệu nhạc và từ đó mọi người sẽ cảm thấy gần gũi bên nhau"- PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhận định.
Nhà nghiên cứu Phan Mạnh Dương thì cho rằng, ai cũng có thể Xòe- kết nối cộng đồng qua những điệu Xòe của người Thái ở vùng Tây Bắc. "Khi đã vào vòng Xòe, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, quan hay dân đều bình đẳng với nhau hết, nắm tay nhau cùng Xòe. Đây chính là ý nghĩa xã hội về sự cởi mở, gắn kết của con người thông qua thực hành di sản, thể hiện giá trị cốt lõi của một di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng được tiêu chí về nhận diện một di sản văn hóa phi vật thể của Công ước 2003"- nhà nghiên cứu Phan Mạnh Dương nói.
Hội thảo khoa học quốc tế: Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại vừa được Bộ VHTTDL và 4 tỉnh liên quan tổ chức
Bảo tồn Xòe trong xã hội hiện đại
Trong xu thế hội nhập của đất nước, sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài cũng khiến Nghệ thuật Xòe Thái đứng trước nguy cơ mai một, mất đi giá trị truyền thống.
Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên cho biết: "Ở địa phương hiện nay, bên cạnh những điệu Xòe truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng thì đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, ít nhiều đã phá vỡ tính nguyên bản của Nghệ thuật Xòe truyền thống. Cùng với đó là sự biến đổi về âm nhạc, nhiều nơi đã thay thế nhạc truyền thống bằng âm nhạc hiện đại. Thế hệ trẻ khi Xòe thấy rất rõ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu Xòe hiện nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, còn lại không được thực hành rộng rãi".
Ở Điện Biên, việc bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái đã được tỉnh chú trọng từ năm 2013 với Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh cũng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái, ưu tiên truyền dạy các điệu Xòe cổ cho các bản, các đội văn nghệ người Thái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lập hồ sơ khoa học di sản, kiểm kê, tư liệu hóa di sản, có chính sách quan tâm tới các nghệ nhân, tổ chức các lễ hội, các hội thi, hội diễn… để tao nhiều cơ hội thực hành Nghệ thuật Xòe Thái trong nhân dân.
Đặc biệt, thông qua các bản văn hóa du lịch, mô hình homestay ở Điện Biên không chỉ duy trì và phát triển các đội văn nghệ thường xuyên thực hành Xòe Thái mà còn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu văn hóa, du lịch của tỉnh và tham gia trải nghiệm một số điệu Xòe truyền thống.
"Từ đó, mỗi thành viên trong đội văn nghệ đã có ý thức, trách nhiệm cùng với sự đam mê về giá trị thẩm mỹ của Nghệ thuật Xòe Thái mà cha ông để lại nên họ tiếp tục giới thiệu nét đẹp văn hóa ấy tới du khách"- ông Phạm Việt Dũng chia sẻ.
Trong đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng các biện pháp bảo vệ các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống Xòe Thái cần tập trung vào sự chuyển giao tri thức và kiến thức, các kỹ năng biểu diễn, sản xuất nhạc cụ và thúc đẩy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các nghệ nhân và những người học nghề. Sự tinh tế của một bài hát, các động tác của một điệu múa và các hình thức biểu đạt trong trình diễn cần được tôn trọng và củng cố./.