(Tổ Quốc) - Thủ tướng Ấn Độ đang thăm Nhật Bản để thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân dân sự trong bối cảnh bất ổn về chính sách của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhật Bản vào ngày 10/11 để đi tới kí kết thỏa thuận hạt nhân “cột mốc” và tăng cường quan hệ trong bối cảnh ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc đang gia tăng và chiến thắng bất ngờ của ông Trump khiến chính sách của Mỹ đối với châu Á đang dấy lên nhiều nghi vấn.
Thủ tướng Nhật Bản Abe và Thủ tướng Modi tại Hyderabad tháng 12/2015. (Nguồn: Reuters) |
Xích lại trong bất an
Các quan chức ở New Delhi và Tokyo cho biết một thỏa thuận cho phép Nhật Bản cung cấp các lò phản ứng hạt nhân, nhiên liệu và công nghệ cho Ấn Độ đã sẵn sàng để ký kết sau sáu năm đàm phán mặc dù New Delhi không phải là một bên ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup cho biết hai bên đang tiến tới một thỏa thuận rộng rãi về hợp tác hạt nhân cho tới cuối tháng 12 này và đang cố gắng để hoàn thiện tài liệu.
Một nghị sĩ đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết hai bên sẽ ký một thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Modi. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ chối bình luận.
Ấn Độ cũng đang thúc đẩy đàm phán với Westinghouse Electric một liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và Mỹ và Toshiba Nhật Bản, để xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân ở miền nam Ấn Độ, một phần trong kế hoạch của New Delhi để tăng công suất hạt nhân lên hơn mười lần năm 2032.
Báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết hiệp ước chính có thể sẽ kèm theo một văn bản riêng quy định rằng Tokyo sẽ ngừng hợp tác hạt nhân nếu Ấn Độ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Ban đầu, Nhật Bản muốn đưa quy định này vào hiệp định, nhưng Ấn Độ phản đối.
Tuy nhiên, dù có thể được kí kết trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo lần này nhưng thỏa thuận trên vẫn cần được Quốc hội Nhật Bản thông qua.
Hợp tác về vũ khí
Hai nước cũng nỗ lực đi tới một thỏa thuận về việc cung cấp máy bay cứu hộ đổ bộ US-2 cho hải quân Ấn Độ - một trong những thương vụ vũ khí đầu tiên của Nhật Bản từ khi ông Abe dỡ bỏ lệnh cấm 50 năm về xuất khẩu vũ khí.
Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ đã họp đầu tuần này để xem xét việc mua 12 máy bay của ShinMaywa Industries, tuy nhiên, chưa đạt được quyết định. Một nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho biết quân đội nước này đang chia rẽ về việc có nên mua các máy bay mới hay không trong khi vừa phải thay thế đội tàu ngầm lão hóa và dễ xảy ra tai nạn cũng như giải quyết tình trạng thiếu máy bay trực thăng.
Một nguồn tin quốc phòng Nhật Bản cho biết Nhật Bản đang xem xét việc giảm chi phí, bao gồm việc giảm giá cho Ấn Độ cũng như đối với hải quân Nhật Bản trong việc cung cấp các máy bay này. Một chiếc US-2 hiện có giá khoảng 13 tỷ yên (123 triệu USD).
Thỏa thuận hạt nhân dân sự với Nhật Bản theo sau một hiệp định tương tự với Hoa Kỳ trong năm 2008 mang lại cho Ấn Độ quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân sau nhiều thập kỷ bị cô lập. Đây cũng được coi là động thái lớn đầu tiên để nâng tầm Ấn Độ trở thành một đối trọng trong khu vực với Trung Quốc.
Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã và đang xây dựng quan hệ an ninh và thực hiện các cuộc tập trận hải quân 3 chiều. Tuy nhiên, cam kết "ưu tiên nước Mỹ" của ông Trump trước đó làm gia tăng nhiều lo ngại về sự can dự suy giảm của trong khu vực.
Nếu như Washington thực hiện cách tiếp cận trên, Modi và đối tác Nhật Bản Shinzo Abe sẽ còn xích lại gần hơn nữa, nhà bình luận chính sách ngoại giao và cựu đại sứ Ấn Độ M.K. Bhadrakumar cho biết. Trước đó, Ấn Độ hy vọng sẽ đưa quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới, ông Modi cho biết trong một thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.
(Theo Reuters)