(Tổ Quốc) -Tuần qua, Grab- ứng dụng đặt xe công nghệ và thanh toán di động hàng đầu Đông Nam Á đã vui mừng thông báo, hãng này được đầu tư đầu tư thêm 2 tỷ đô la Mỹ.
- 20.06.2017 Bộ Giao thông khẳng định không có chuyện tạm dừng Uber, Grab
- 29.06.2017 Số lượng xe taxi công nghệ tham gia thực hiện thí điểm tăng quá nhanh
- 30.06.2017 Cách mạng 4.0 nhìn từ… xe ôm
- 15.07.2017 Bộ Công Thương không khẳng định Uber, Grab vi phạm cạnh tranh
- 18.07.2017 Sự thật về chính sách thuế “gây tranh cãi” đối với Uber, Grab và taxi truyền thống
- 22.07.2017 Thủ tướng trả lời chất vấn về Grab và Uber
Didi Chuxing (DiDi) - nền tảng ứng dụng gọi xe hàng đầu thế giới và SoftBank Group Corp. (SoftBank) - Tập đoàn viễn thông hàng đầu toàn cầu - sẽ đầu tư lên đến 2 tỉ đô la Mỹ cho Grab và đây đang là các doanh nghiệp dẫn đầu vòng huy động vốn mới nhất của Grab.
Không dừng lại ở đó, Grab cũng dự đoán sẽ huy động được thêm 500 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư mới, nâng tổng số vốn trong vòng huy động hiện tại lên đến 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá, đây là vòng huy động vốn đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á và là con số đáng khao khát của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp – startup hiện nay.
Grab ứng dụng công nghệ đang làm thay đổi thị trường vận tải hành khách Đông Nam Á. |
Với nguồn tài chính mới sẽ hỗ trợ Grab trong việc củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường ứng dụng đặt xe công nghệ và thanh toán trong khu vực Đông Nam Á bất chấp những luồng ý kiến còn phản đối phương thức đặt xe kiểu mới này.
Các ý kiến phản đối mà đa phần đến từ các hãng taxi truyền thống cho rằng, Grab hay Uber – hai doanh nghiệp ứng dụng đặt xe hàng đầu thế giới hiện nay đang “bóp chết” taxi truyền thống.
Tại Việt Nam, Hãng taxi Vinasun cho biết, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi. Vinasun cùng 6 đơn vị taxi truyền thống khác của Việt Nam đã phải tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber.
Mới đây, UBND TP Hà Nội có công văn về dịch vụ đi chung xe hợp đồng (Uber, Grab)- ứng dụng mới cho phép nhiều người dùng đi cùng một tuyến đường có thể đặt chung một chuyến xe với giá cước giảm tiếp 30%.
Hà Nội cho rằng, do chưa có quy định quản lý với loại hình dịch vụ này, nên Hà Nội sẽ chưa áp dụng hình thức đi chung xe trên địa bàn TP. Dịch vụ cũng chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.
Các hiệp hội taxi truyền thống của Việt Nam cũng liên tiếp đưa ra những lập luận nhằm phản đối mô hình thí điểm của Grab hay Uber tại Việt Nam.
Đối nghịch với những con số “cám cảnh” của thị trường taxi truyền thống của Việt Nam thì Grab đang vận hành mạng lưới giao thông lớn nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nền tảng di động được sử dụng nhiều nhất trong khu vực với gần 3 triệu chuyến xe mỗi ngày.
Với 95% thị phần dịch vụ đặt xe taxi và 71% thị phần dịch vụ đặt xe cá nhân, Grab khẳng định, sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường và đầu tư vào GrabPay, giải pháp thanh toán di động độc quyền của Grab.
Hãng này không hề giấu diếm cho hay, tại Đông Nam Á, ứng dụng Grab đã được tải xuống hơn 50 triệu thiết bị di động, giúp hành khách kết nối vào mạng lưới giao thông đường bộ lớn nhất khu vực với hơn 1,1 triệu đối tác tài xế và cứ 3 hành khách thì có 1 người sử dụng nhiều loại dịch vụ của Grab.
Không thể phủ nhận những lợi ích của mô hình kinh doanh này mang lại, mới đây, trả lời chất vấn của một Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ, với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, việc thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong vận tải, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như: Phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…
Rõ ràng, với sự tác động của cách mạng công nghiệp lần 4 – 4.0, việc ứng dụng công nghệ tưởng như là câu chuyện rất xa xôi nhưng đang trực tiếp tác động tới những lao động phổ thông hiện nay và thị trường vận tải hành khách cũng đang phải thay đổi nhanh chóng.
Từ câu chuyện thành công về vòng huy động vốn từ một ứng dụng công nghệ trên và những ưu việt với người tiêu dùng, không thể không có lý khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn truyền đi thông điệp về cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu các ngành phải đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Bởi chỉ có như vậy mới đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Thái Linh