• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất cứ hoạt động sống nào của con người cũng có văn hóa và cũng là văn hóa

Văn hoá 30/07/2021 14:46

(Tổ Quốc) - PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Châm- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều công trình, bài viết về lĩnh vực văn hóa. Nhân dịp Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo đang lấy ý kiến đóng góp của các nhà văn hóa, hội chuyên ngành và văn nghệ sĩ… chúng tôi xin trích lược một số ý kiến đáng chú ý của PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Châm*.

Về nâng cao nhận thức văn hóa

Thứ nhất, cần hiểu văn hóa theo nghĩa rộng là tất cả những gì con người có, con người nghĩ và con người làm, điều đó có nghĩa văn hóa có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế đến chính trị, ngoại giao, từ các hoạt động khai thác tự nhiên đến sản xuất, tiêu dùng,... Văn hóa không tách bạch mà gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội nên bất cứ hoạt động sống nào của con người cũng có văn hóa và cũng là văn hóa. Cách hiểu văn hóa như vậy cần được thống nhất và phổ biến rộng rãi ở tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, có hiểu văn hóa như vậy mới có được sự nhìn nhận văn hóa trong sự công bằng, không định kiến và coi trọng tất cả các chủ thể văn hóa.

Thứ hai, mở rộng tuyên truyền để xã hội nhận thức rõ vai trò động lực của văn hóa trong phát triển ở chiều sâu của vấn đề này. Động lực ấy đến từ những thực hành văn hóa hằng ngày, từ đời sống tinh thần, thực hành tín ngưỡng, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật,... mà động lực không phải chỉ xuất hiện ở những khẩu hiệu hay sự hô hào hình thức.

Bất cứ hoạt động sống nào của con người cũng có văn hóa và cũng là văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Thứ ba, khai thác tối đa nguồn lực văn hóa trong phát triển. Nguồn lực văn hóa rất đa dạng, như các di tích khảo cổ học, các di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, các quần thể kiến trúc văn hóa, hệ thống các bảo tàng, hệ thống các cảnh quan văn hóa đặc trưng, các loại hình nhà ở truyền thống, lễ hội, phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục, các sinh hoạt nghệ thuật, đời sống văn hóa làng, bản, buôn, các loại hình tri thức dân gian,... của 54 tộc người trên cả nước. Các ngành, nhất là ngành văn hóa cần xác định đúng và đưa nguồn lực này vận hành linh hoạt trong các chiến lược phát triển chung và chiến lược phát triển cụ thể của từng lĩnh vực, như du lịch văn hóa, ngoại giao văn hóa...

Thứ tư, nhìn nhận đúng vai trò của sự đa dạng văn hóa, coi đa dạng văn hóa là nguồn lực quan trọng trong phát triển, là mạch nguồn giúp các tộc người có được bản lĩnh và sự chủ động trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa hiện nay.

Về nghiên cứu toàn diện và bài bản về văn hóa

Đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu, nghiêm túc và bài bản trên cả phương diện lý luận và thực tiễn về văn hóa. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa trong việc bảo đảm mối liên kết hiệu quả giữa kết quả nghiên cứu cơ bản và việc tư vấn chính sách. Chuyển hóa tốt nhất các kết quả nghiên cứu thành các chính sách, chương trình hành động phù hợp và hiệu quả. Nghiên cứu cần đi trước một bước để tạo ra các tiền đề lý luận và thực tiễn cho việc triển khai các công tác văn hóa. Đầu tư hiệu quả và thường xuyên hơn cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích những nghiên cứu phản biện chính sách một cách khách quan và thẳng thắn, chỉ ra những nút thắt, những điểm nghẽn cần tháo gỡ để các chính sách văn hóa đi vào cuộc sống. Đầu tư thích đáng hơn nữa cho công tác đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa, tạo ra đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ cao trong nghiên cứu, sống được bằng nghề và tâm huyết với nghề. Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các lý thuyết nghiên cứu văn hóa, các kinh nghiệm quản lý văn hóa trên thế giới vào thực tế Việt Nam, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới

Rèn luyện bản lĩnh văn hóa trên cơ sở thấm nhuần các giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm văn hóa Việt Nam, hạn chế tối đa những mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa. Nhìn nhận đa chiều và chính xác để có các giải pháp thích hợp, hiệu quả trong việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Khắc phục cách nhìn nhận văn hóa một chiều, đứng yên và tạo dựng giá trị theo khuôn mẫu định sẵn mà thay vào đó, cần nhìn nhận đúng đặc tính luôn vận động, biến đổi và linh hoạt của văn hóa cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với bối cảnh, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội. Từ đó, nhìn nhận rõ sự bất cập, chủ quan, áp đặt và những hệ lụy không mong muốn khi định hình các giá trị văn hóa theo khuôn mẫu cứng nhắc.

Bất cứ hoạt động sống nào của con người cũng có văn hóa và cũng là văn hóa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Giữ gìn, duy trì và làm giàu bản sắc văn hóa của tất cả các tộc người trên đất nước, không phân biệt là dân tộc đa số hay thiểu số, dân tộc thiểu số có số dân đông hay số dân ít. Khi hoạch định và triển khai chính sách, cần hết sức tránh việc dùng một mô hình (chính sách, tiêu chí, chỉ tiêu,...) áp cho tất cả các dân tộc, các vùng, miền, tránh tối đa nguy cơ đưa đến sự đồng dạng/đồng nhất văn hóa. Tôn trọng giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa cũng như các thực hành văn hóa khác nhau của từng vùng, miền, từng tộc người, xem đó là sự giàu có, là lợi thế trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Thứ nhất, ưu tiên tối đa các nguồn lực để xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở các phương diện thể lực, trí lực, kĩ năng sống, đạo đức, nhân cách, lối sống, tâm hồn, năng lực làm việc, tôn trọng pháp luật. Bồi dưỡng nhân cách con người luôn là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài nên cần có sự kiên nhẫn, nỗ lực hợp tác giữa các cá nhân, các cấp, ngành quản lý, các cơ sở đào tạo và cả xã hội.

Thứ hai, nhận diện rõ và khắc phục tối đa tình trạng suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, lấy lại niềm tin trong xã hội. Cần phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến tha hóa đạo đức, lối sống, gây hậu quả cho xã hội để răn đe và làm trong sạch đời sống xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới giáo dục ở tất cả các cấp học và các môi trường giáo dục khác nhau. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục kiến thức khoa học với giáo dục tư tưởng, nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, lối sống cho người học, minh bạch trong việc dạy và học, chống lại các tiêu cực trong ngành giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh. Công tác giáo dục, nhất là trau dồi, bồi dưỡng về văn hóa cần được xác định không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục hay ngành văn hóa mà là trách nhiệm của cả xã hội. Giảm dần sự chênh lệch trong giáo dục, chăm lo sức khỏe, trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tộc người. Tránh các gánh nặng về giáo dục, y tế cho các khu vực đô thị, trung tâm. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục.

Thứ tư, làm rõ hệ giá trị con người Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Nhận diện rõ các xu hướng biến đổi văn hóa trong xã hội để kịp thời có định hướng hợp lý, tránh chiều hướng tiêu cực, hoang mang, thậm chí mất phương hướng của một bộ phận người dân. Các bài học về giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa cần được chuyển tải một cách sinh động, thiết thực hằng ngày để lan tỏa sâu rộng và thường xuyên trong xã hội. Tạo dựng giá trị văn hóa, bồi đắp tính nhân văn cho con người trên cơ sở nhìn nhận con người cần có sự hài hòa giữa ba mối quan hệ cơ bản là quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội, với chính bản thân và vận hành các mối quan hệ này trên nền tảng nhân văn. Xây dựng cơ chế để lan tỏa những giá trị, những hành vi tốt đẹp, những gương người tốt, việc tốt để nêu gương và trau dồi văn hóa ứng xử của mọi người dân, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, hướng con người tới mục đích nhân văn và sự phát triển toàn diện.

Thứ năm, phát triển con người cần gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình, bởi gia đình là môi trường quan trọng tạo dựng và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, thể lực, trí lực cho con người. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương và bảo hiểm cho công chức, viên chức, người lao động, gia tăng nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội để chăm lo tốt hơn cho con người.

Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

Đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động cụ thể để đưa văn hóa trở thành một trụ cột trong phát triển bền vững, tránh hô khẩu hiệu chung chung, hình thức. Văn hóa cần được xác định là một trụ cột bên cạnh kinh tế, môi trường, xã hội trong phát triển bền vững.

Đề cao văn hóa, đạo đức trong cơ cấu và vận hành hệ thống chính trị, chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, làm giàu bất chính, cơ hội trong chính trị, gian lận trong học hành, chạy theo bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy danh lợi, chạy tội...

Xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa từ chức, văn hóa trọng dân, văn hóa trọng pháp, đề cao lòng tự trọng và tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân trong đội ngũ lãnh đạo. Chỉ như vậy người dân mới tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo và sự minh bạch trong công tác lãnh đạo.

Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với đầu tư cho kinh tế, khắc phục quan điểm coi văn hóa là kết quả thụ động của kinh tế, là yếu tố đi sau kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã trả giá cho sự ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế để rồi phải trả giá quá đắt về văn hóa và môi trường. Vì vậy, cần phát triển đồng bộ cả kinh tế và văn hóa, nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế.

Khai thác tối đa nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế. Thực tế hiện nay, nguồn thu từ du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, từ thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, từ các loại hình dịch vụ văn hóa ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế. Song nhìn tổng thể, việc khai thác nguồn lực văn hóa trong phát triển ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần có cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả việc phát huy nguồn lực văn hóa nước ta hiện nay.

Về xây dựng văn hóa trở thành hệ điều tiết góp phần ổn định xã hội

Cần nhìn nhận rõ vai trò điều tiết của văn hóa trong xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào văn hóa. Phát huy các giá trị tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn bó với dân tộc, hướng thiện. Xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Bảo vệ và phát huy những giá trị của tri thức dân gian. Nhận diện giá trị, bảo vệ và vận hành những tri thức này một cách hợp lý chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả to lớn cho việc xây dựng môi trường văn hóa.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa. Gia tăng kinh phí đầu tư cho văn hóa nói chung và cho các hoạt động nghệ thuật nói riêng. Chăm lo quyền lợi và năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ, trí thức, các nghệ nhân.

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa và thực hiện văn hóa pháp luật trong toàn xã hội

Coi trọng và đầu tư đúng mức cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đẩy mạnh công tác tôn vinh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, đi cùng với chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa. Đầu tư và khai thác hiệu quả các bảo tàng, thư viện, nhất là đầu tư vào công tác trưng bày, trang thiết bị kỹ thuật, bảo quản tài liệu, nghiên cứu và trao đổi tư liệu, phát triển văn hóa đọc,... thu hút người xem và tạo giá trị kinh tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, có chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà tài trợ đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Xây dựng văn hóa pháp luật và đưa văn hóa pháp luật thấm sâu vào lối sống, nếp suy nghĩ và hành vi của mỗi người dân, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nâng cao trình độ văn hóa pháp luật và năng lực pháp lý thực tiễn của người dân.

Bất cứ hoạt động sống nào của con người cũng có văn hóa và cũng là văn hóa - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Về xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác bảo vệ quyền tác giả với các sản phẩm văn hóa. Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế.

Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa đúng nghĩa ở trong nước và nước ngoài, hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam bằng nhiều cách, cả trực tiếp, gián tiếp và nhất là quảng bá trên các nền tảng truyền thông mới.

Về hội nhập quốc tế về văn hóa

Khuyến khích người dân chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, mỗi người dân là một "đại sứ văn hóa" dù ở trong nước hay nước ngoài. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt về chuyên môn, ngoại ngữ... nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế về văn hóa ngày càng sâu rộng hiện nay. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành để mở rộng phạm vi, đối tượng và các lĩnh vực hợp tác. Xây dựng chiến lược đầu tư trọng điểm các hoạt động giao lưu hội nhập văn hóa quốc tế nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa trực tiếp và gián tiếp (qua các kênh ngoại giao, xuất khẩu các sản phẩm kinh tế).

Nghiên cứu kỹ thị trường, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu văn hóa. Bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc nhằm tạo ra "bộ lọc" tốt nhất trong tiếp nhận các luồng văn hóa nhập khẩu, đẩy lùi xu hướng quá đề cao văn hóa nước ngoài, xa rời dần văn hóa dân tộc.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về giao lưu hội nhập văn hóa nhằm làm rõ những cơ hội và thách thức của giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế trong phát triển, làm giàu văn hóa Việt Nam. Xây dựng và phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng, miền, các tộc người ở Việt Nam. Xây dựng và phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài làm cầu nối hiệu quả cho các hoạt động hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa, hoàn thiện chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa, triển khai tốt các cam kết, thỏa thuận quốc tế về văn hóa./.

* Bài  viết  trước  đó  được  đăng  trên Tạp chí Cộng sản: Về "Nhiệm vụ phát triển văn hóa giai đoạn 2021 – 2030" .

NỔI BẬT TRANG CHỦ