(Tổ Quốc) - Thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong đó, Ankara chấp nhận ngừng chiến 5 ngày tại miền bắc Syria, đang phải đối mặt với nhiều nghi ngờ.
Hôm thứ năm (17/10), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dừng chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria trong 5 ngày trong khi các tay súng người Kurds rời khỏi khu vực. Tuyên bố này của ông Pence ngay lập tức làm dấy lên những câu hỏi rằng, hiệp định ngừng chiến là một đột phá ngoại giao hay chỉ thỏa ước kèm điều kiện với chính quyền Ankara.
Xuất hiện sau cuộc gặp mặt kéo dài gần 5 giờ đồng hồ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Pence nói, phái đoàn Mỹ đã đạt được lệnh ngừng bắn mà họ mong muốn trong chuyến công du tới Ankara. Ông cũng gọi đây là một thắng lợi ngoại giao cho Tổng thống Trump và "một giải pháp chúng tôi tin tưởng sẽ cứu sống mạng người".
Thỏa thuận sẽ "chấm dứt bạo lực – điều mà Tổng thống Trump gửi chúng tôi tới đây để thực hiện", ông Pence phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Pence (ảnh: AFP)
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đáp trả, hiệp định không phải là một lệnh ngừng bắn mà chỉ là "sự tạm dừng chiến dịch". Ông bổ sung, đó là "nhờ vào tài lãnh đạo khéo léo của Tổng thống Erdogan mà chúng tôi đã đạt được những gì mình muốn".
Ngoại trưởng Cavusoglu lưu ý, Mỹ chấp nhận tầm quan trọng của khu vực an toàn để bảo vệ các lợi ích an ninh hợp pháp của Thổ. "Hai bên hoàn toàn đồng ý rằng, khu vực an toàn sẽ thuộc quyền kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ", ông Cavusoglu nhấn mạnh. "Tạm dừng không có nghĩa là chúng tôi sẽ rút quân… Chúng tôi sẽ vẫn ở đó".
Ngừng đứng đầu cơ quan ngoại giao Thổ cũng trực tiếp phản bác tuyên bố của ông Pence về việc Ankara thống nhất không tham gia các hoạt động quân sự tại Kobani, Syria.
"Chúng tôi không đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào về Kobani", ông Cavusoglu nói, đồng thời tiết lộ, Ankara sẽ thảo luận vấn đề này với phía Nga.
Tờ New York Times nhận định, mặc dù dừng chiến dịch trong 5 ngày nhưng thỏa thuận mà Phó Tổng thống Pence đạt được với Thổ dường như là một sự thừa nhận về ảnh hưởng đang tuột dốc nhanh chóng của Mỹ tại Syria kể từ khi Ankara bắt đầu tấn công vào tuần trước.
Chỉ trong chưa đầy hai tuần, lập trường chính thức của Washington đã đảo ngược – từ ủng hộ cho quyền kiểm soát của người Kurds tại miền bắc Syria thành gần như hoàn toàn chấp nhận các luận điểm và tham vọng của Thổ trong cùng một khu vực.
"Có rất nhiều mơ hồ", ông Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại nhận định. "Tất cả dựa trên tưởng tượng rằng, Mỹ có tiếng nói tại một địa điểm nơi chúng ta đã rút quân".
"Tại đây [Syria] nước Mỹ không còn liên quan, nước Mỹ đã rời đi", ông Stein nhấn mạnh.
Các tay súng nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ "chống lưng" (ảnh: AP)
Giới phân tích cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng lực lượng người Kurds sẽ chấp nhận rời khỏi miền bắc Syria. Phó Tổng thống Pence cho biết, Washington đã làm việc với các tay súng người Kurds cũng như quân đội Syria để thu xếp một "sự rút lui có trật tự". Ông khẳng định, quá trình đó "thực chất đã bắt đầu".
Theo New York Times, điều rõ ràng nhất là, ngay cả việc tạm dừng chiến sự cũng đủ để ông Pence trở lại Washington và giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố thắng lợi, sau khi phải đối mặt với sự lên án từ cả hai đảng liên quan tới quyết định rút quân khỏi Syria.
"Thỏa thuận này có thể sẽ không bao giờ được thực hiện vào 3 ngày trước", ông Trump viết trên Twitter. "Cần phải có tình cảm 'cứng rắn' để khiến nó xảy ra. Mọi người thật tuyệt. Tôi tự hào về tất cả".
Tổng thống Mỹ đang đề cập tới một lá thư ông gửi tới đồng cấp Erdogan trong đó, ông cảnh báo người đứng đầu Thổ: "đừng là một kẻ ngốc". Phái đoàn Mỹ đặt chân tới Ankara vào đầu ngày 17/10 giữa những thông tin rằng, chính quyền Erdogan phát động tấn công nhằm trả đũa những lời lẽ cứng rắn từ ông Trump.
"Hãy cũng đạt được một thỏa thuận tốt", ông Trump viết cho ông Erdogan. "Ông không muốn chịu trách nhiệm cho việc giết chóc hàng nghìn người và tôi không muốn chịu trách nhiệm cho việc phá hủy nền kinh tế Thổ - và tôi sẽ làm vậy".
Cũng theo thỏa thuận hôm thứ năm, chính quyền Trump đồng ý không tiếp tục áp dụng trừng phạt lên Ankara và dỡ bở các trừng phạt kinh tế đã có hiệu lực trong tuần này – ngay khi "ngừng bắn lâu dài" bắt đầu.
Việc quay trở về Washington với một thỏa thuận trong tay được đánh giá là kịch bản có lợi nhất cho cả Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trước đó, nhiệm vụ của họ đã vấp phải một thách thức nghiêm trọng từ chính thượng cấp Trump khi Tổng thống Mỹ tuyên bố, Trung Đông "không có liên quan gì tới chúng tôi".
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn chưa rõ thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào khi hầu hết các yếu tố chính tại miền bắc Syria – giới lãnh đạo người Kurds, Nga và chính phủ Syria – không có mặt trên bàn đàm phán.
Ông Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại Istanbul đánh giá, ngay cả khi người Kurds ngay lập tức rời các khu vực đang bị quân đội Thổ tấn công, không có gì có thể ngăn cản họ tái triển khai tới các khu vực khác dọc theo biên giới Syria hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nga và chính phủ Syria.
Trong một nỗ lực cản bước tiến của Thổ, giới lãnh đạo người Kurds đã "nhường" lại cho chính quyền Syria quyền kiểm soát quân sự tại hầu hết các phần lãnh thổ của họ vào đầu tuần này, sau khi quân lính Mỹ rời đi.
Theo ông Ulgen, các quyết định liên quan tới miền bắc Syria không còn "chỉ là về Thổ và Mỹ mà nó còn về cả Nga, chính quyền Syria và YPG". YPG là nhóm vũ trang người Kurds đóng vai trò chủ chốt trong Lực lượng dân chủ Syria.