• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ cái kết Brexit tại Anh?

Thế giới 07/03/2017 21:52

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với đòn giáng thứ hai về quá trình thông qua dự luật Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với đòn giáng thứ hai về quá trình thông qua dự luật Brexit khi Thượng viện Anh bỏ phiếu về việc tiếp tục sửa đổi dự luật trên – trao cho Quốc hội quyền quyết định cuối cùng trong tiến trình Anh rời EU.

Dự luật trao quyền cho May bắt đầu kích hoạt Brexit đã dừng lại một tuần qua sau khi Thượng viện Anh ngày 1/3 đã bỏ phiếu yêu cầu việc sửa đổi để bảo đảm quyền lợi cho các công dân châu Âu sống ở Anh.

Nội bộ chính trường Anh đang căng thẳng về tiến trình khởi động Brexit. (Nguồn: AFP)

Trước đó, Thượng viện Anh tuần trước đã bỏ phiếu 358-256 ủng hộ việc sửa đổi dự luật đảm bảo quyền của hơn ba triệu công dân châu Âu đang sống ở Anh thời kì hậu Brexit.

Các thành viên của Thượng viện Anh ngày 7/3 được cho là sẽ ủng hộ động thái sửa đổi dự thảo trên lần thứ hai để cho phép quốc hội bỏ phiếu về bản thỏa thuận rời đi cuối cùng và bất kỳ mối quan hệ thương mại nào trong tương lai với Liên minh châu Âu EU.

Căng thẳng về một thỏa thuận tồi

Bà May đã tuyên bố với các nhà lập pháp về một cuộc bỏ phiếu theo cơ chế "hoặc lấy hoặc không", có nghĩa là nếu họ từ chối bản thỏa thuận được đưa ra, Anh sẽ rời EU và không có bất kỳ thỏa thuận nào cả.

Bà May cũng đã nhiều lần kêu gọi Thượng viện không sửa đổi dự luật Brexit và nói rằng văn bản trên được xây dựng hoàn toàn dựa trên cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 để rời khỏi khối.

Tuy nhiên, những người phản đối đang lo ngại động thái trên sẽ gây ra sự hỗn loạn về kinh tế và pháp lý, do tất cả các giao dịch thương mại và thỏa thuận trước đây giữa Anh và 27 nước thành viên của EU sẽ trở nên vô hiệu chỉ qua một đêm.

Một cuộc thăm dò do tờ Independent đưa ra cho thấy chỉ có 25% người Anh ủng hộ việc rời EU khi không có thỏa thuận nào, với 56% ủng hộ các lựa chọn khác tương phản với kế hoạch của bà May.

Các cuộc thảo luận về Brexit sẽ được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh EU tuần này tại Brussel và bà May sẽ tham gia vào nửa đầu phiên họp và sau đó rời đi để các thành viên còn lại của EU thảo luận về tương lai của họ khi không có nước Anh.

Các nhà lãnh đạo EU trước đó cũng đã báo hiệu rằng các cuộc đàm phán về Brexit sắp tới sẽ không dễ dàng trong bối cảnh có nhiều lo ngại một số thành viên khác sẽ theo bước chân Anh.

Bà May đang lạc quan rằng bà có thể đạt được một thỏa thuận với EU, tuy nhiên cũng cảnh báo rằng sẵn sàng từ bỏ các cuộc đàm phán, và nói rằng "không đạt được thỏa thuận với nước Anh tốt hơn là một thỏa thuận tồi".

Người phát ngôn của bà cho biết lập trường này có nguy cơ bị đe dọa theo các yêu cầu trên của thượng viện về một cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

"Chúng tôi không muốn một EU đưa ra một thỏa thuận tồi  với hy vọng rằng điều này sẽ khiến chúng tôi ở lại", người phát ngôn này nói. "Và khi cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra, người dân đã bỏ phiếu và kết quả này phải được tôn trọng."

Tấm lưới an toàn tại quốc hội

Những động thái trên của Thượng viện Anh đã làm giảm hy vọng của bà May về việc nhận được sự thông qua dự luật trên trong tuần này, do hiện tại văn bản trên phải được đưa trở lại Hạ viện để thảo luận, có thể vào ngày 13/3.

Bà May hiện đang chịu nhiều sức ép phải thông qua dự luật trên một cách nhanh chóng để đuổi kịp hạn chót của bà nhằm kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình hai năm đàm phán rời khỏi EU vào cuối tháng 3 này.

Một nguồn tin từ Công đảng đối lập tại Thượng viện Anh cũng nói với AFP rằng họ muốn đạt được văn bản sửa đổi "tốt" trong ngày 7/3 với sự hỗ trợ của nhiều bên.

Người phát ngôn về Brexit của Công đảng Anh trong Thượng viện, Baroness Dianne Hayter, nói: "Chúng ta cần có một thỏa thuận tốt nhất để giảm bớt cơn dư chấn kinh tế và xã hội sau cuộc trưng cầu dân ý.

"Kết hợp cùng nghị viện trong suốt quá trình này có thể giúp tăng cường lực lượng đàm phán cho thủ tướng và một cuộc bỏ phiếu cuối cùng chắc chắn sẽ được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của đất nước chúng ta."

Nội các của bà May cũng sẽ tìm cách đảo ngược sự thay đổi đầu tiên khi đảng Bảo thủ của bà May chiếm đa số trong Hạ viện và điều này được cho là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, sửa đổi lần thứ hai về quyền bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit cuối cùng có thể khó loại bỏ khi các báo cáo cho biết có tới 20 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ Anh có thể phản đối bà May và ủng hộ nội dung này.

Một trong số họ là Anna Soubry, người nói rằng "một cuộc bỏ phiếu phù hợp" về các điều khoản ra đi là rất quan trọng.

"Nếu chúng ta đang phải đối mặt với một thảm hoạ khủng khiếp tiềm ẩn nguy cơ "rơi xuống một vách đá ", thì ít nhất điều chúng ta có thể làm tạo nên một tấm lưới an toàn tại quốc hội," bà viết trên tờ Mail on Sunday.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ