(Tổ Quốc) - Vì lý do an ninh, đích thân Tổng thống Trump ký sắc lệnh “chặt đứt” ý định mua lại một công ty Mỹ của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg hồi tháng 7 vừa qua |
Theo Reuters, sau khi Nhà Trắng chặn đứng việc một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại một nhà máy sản xuất microchip của Mỹ, Tân Hoa xã đã xuất bản một bài viết dài, trong đó gọi động thái của Mỹ là một biện pháp “thiển cận” nhằm “thực hiện chủ nghĩa bảo hộ”.
Theo Tân Hoa xã, với quyết định không cho quỹ đầu tư Canyon Bridge Capital Partners của Trung Quốc mua lại Lattice Semiconductor - một công ty có trụ sở tại San Jose, California, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mắc lỗi “tham bát bỏ mâm”.
Sau khi biết được quỹ đầu tư Canyon Bridge có sự tham gia của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và được kết nối với chương trình không gian đang ngày một phát triển của Trung Quốc, các cố vấn của Tổng thống Mỹ đã khuyên ông ký một dự thảo sắc lệnh từ chối vụ mua bán giữa Canyon và Lattice.
Sắc lệnh yêu cầu Lattice và Canyon Bridge “thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn toàn và vĩnh viễn từ bỏ giao dịch đã đề xuất,” Reuters cho biết. Quá trình này phải được hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh vào ngày 13/9 vừa qua.
Thông qua Tin Hoa xã, Bắc Kinh đã nhanh chóng bày tỏ sự phản đối trước vụ việc. “Hành động này không chỉ gây bất lợi cho cả tăng tưởng kinh tế của Mỹ và toàn cầu, nó còn đi ngược lại tính chất lợi ích lẫn nhau và hai bên cùng có lợi trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ,” Tân Hoa xã tuyên bố. Theo đó, với việc sử dụng các vấn đề an ninh để đánh giá đầu tư nước ngoài, Mỹ đang thi hành chủ nghĩa bảo hộ, “thiển cận” và “tham bát bỏ mâm”.
“Đầu tư Trung Quốc không phải là một ‘con ngựa thành Troya’ che giấu nhiều mục đích,” Tân Hoa xã khẳng định.
Sau lần gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo một số nguồn tin, ông Trump sẽ có chuyến thăm chính thức tại Bắc Kinh vào tháng Mười một này.
(Theo Sputnik)