• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ hành động mới nhất của Nga về Syria

Thế giới 04/05/2017 21:56

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/5 đã thúc đẩy một kế hoạch thành lập các khu vực an toàn tại Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/5 đã thúc đẩy một kế hoạch thành lập các khu vực an toàn tại Syria.

Tuy nhiên, các chi tiết của kế hoạch vẫn còn mơ hồ trong bối cảnh vòng đàm phán hòa bình mới nhất do điện Kremlin bảo trợ về cuộc xung đột Syria đang gặp nhiều tín hiệu khó khăn.

Nga đẩy mạnh giảm căng thẳng

Ông Putin đã hội đàm với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen – động thái diễn ra khi Moscow đưa ra đề xuất thiết lập bốn "khu vực giảm leo thang" tại Syria.

Tổng thống Nga Putin và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Sochi, ông Putin nhấn mạnh Moscow - ủng hộ chính quyền Syria và Ankara - ủng hộ lực lượng nổi dậy, đều muốn đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria và việc thành lập các khu vực an toàn sẽ giúp ích cho điều này.

"Tất cả chúng tôi đều thực hiện tiến trình trên cơ sở đó - và đây là lập trường chung của chúng tôi - việc mở ra các khu vực an toàn sẽ dẫn đến hòa bình và chấm dứt các cuộc xung đột.", ông Putin nói.

Một phiên bản tiếng Ả Rập đề xuất của Nga mà AFP tiếp cận được đã kêu gọi tạo ra "các khu vực giảm leo thang" tại các vùng lãnh thổ lực lượng nổi dậy chiếm giữ ở tỉnh Idlib, một phần tỉnh Homs, và khu vực đông Ghouta gần Damascus.

Mục đích của đề xuất là "chấm dứt ngay lập tức bạo lực" và "tạo điều kiện để người tị nạn trở về an toàn và tự nguyện" cũng như thực hiện các hoạt động cứu trợ và viện trợ y tế ngay lập tức.

Ông Putin nói rằng các khu vực được đề nghị này cũng đồng thời là các vùng cấm bay nếu xung đột tại thực địa đã dừng hoàn toàn.

Ông Erdogan, tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về các đề xuất của Nga trong khi chỉ mơ hồ đề cập đến một khu vưc giảm leo thang ở tỉnh Idlib.

Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hai lực lượng đối lập nhau trong cuộc xung đột Syria, tuy nhiên, lập trường của họ đã xích lại gần hơn khi những bất đồng liên quan đến việc Ankara bắn hạ một máy bay Nga từ năm 2015 bị xóa mờ.

Đề xuất mới của Nga là nỗ lực gần đây nhất của nhà bảo trợ Moscow nhằm thổi luồng sinh khí mới sau khi nhiều cuộc đàm phán hòa bình về Syria bị đình trệ và chưa cho thấy kết quả nào nổi bật.

Kế hoạch của Kremlin cũng là hành động đáp lại lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump trong việc thành lập các khu an toàn tại Syria. Và ông Putin cho biết, "tôi có thể nói rằng", nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ ý tưởng này trong một cuộc điện thoại mà hai bên thực hiện ngày 2/5.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào về sáng kiến này sẽ phải được các đại diện của Damascus và phe đối lập đang gặp mặt tại thủ đô Astana của Kazakh thảo luận và đồng thuận.

Đại sứ Kremlin tại cuộc hội đàm Astana - ông Alexander Alexander Lavrentiev cho biết sáng kiến này nhằm mục đích "giảm đáng kể mức độ đối đầu vũ trang giữa phe đối lập của Syria và các lực lượng chính phủ".

Phe nổi dậy “cứng rắn”

Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại bao gồm các quốc gia nào có thể giám sát các khu vực an toàn – hiện vẫn là rào cản lớn và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên tham chiến có bất kỳ tâm trạng nào để bắt đầu tiến hành các thỏa thuận.

Trong khi đó, phe đối lập cho biết họ ngừng tham gia vòng đàm phán thứ tư do Nga, Iran - ủng hộ ông Assad và Thổ Nhĩ Kỳ - bên ủng hộ lực lượng đối lập.

"Phái đoàn lực lượng nổi dậy đang đình chỉ các cuộc họp vì các cuộc không kích bạo lực đối với dân thường. Việc đình chỉ sẽ tiếp tục cho đến hành động này chấm dứt trên toàn Syria", một nguồn tin của lực lượng nổi dậy ở Astana nói với AFP.

Phái đoàn này sau đó đã gặp phái đoàn quan sát viên Mỹ tại các cuộc hội đàm và nói chuyện với đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. Tuy nhiên, sau đó, họ vẫn nhấn mạnh sự kiên trì quyết định rút lui.

Các cuộc hội đàm ở Astana được cho là hoạt động bổ trợ cho các nỗ lực hòa bình lớn hơn của Liên hiệp quốc ở Geneva – tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xây một chiếc cầu nối chắc chắn nối giữa hai bên xung đột.

Trước khi bắt đầu tham gia đàm phán, lực lượng nổi dậy đã đưa ra một danh sách các yêu cầu, bao gồm việc lực lượng chính phủ phải rút khỏi các khu vực bao vây sau khi lệnh ngừng bắn năm 2016 được đưa ra – điều hai bên thường xuyên cáo buộc nhau đã có hành động vi phạm.

Gần đây, Đài quan sát nhân quyền Syria cho biết một quả bom xe ngày 3/5 đã giết chết ít nhất năm người tại thị trấn Azaz - gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ nổ này đã xảy ra sau một cuộc tấn công Hồi giáo đẫm máu vào thứ ba tuần trước của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS nhằm vào những người tị nạn tại khu vực biên giới với Iraq khiến ít nhất 46 người thiệt mạng.

Nhiều tín hiệu đang cho thấy cuộc xung đột 6 năm tại Syria vẫn đang còn nhiều bất đồng và đường tới hồi kết còn rất nhiều chông gai.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ