• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ Israel trong thoả thuận cuối Nga-Mỹ về tương lai Syria

Thế giới 22/07/2018 12:28

(Tổ Quốc) - Một thoả thuận giữa Nga và Mỹ để kết thúc cuộc chiến Syria gần như đã hoàn thiện, với những thúc đẩy không ngừng từ phía Israel.

Một trong những kết quả của hội nghị thượng đỉnh Helsinki có vẻ như đã bị xem nhẹ khi đặt cạnh các tranh cãi xung quanh cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Đó chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nguời đồng cấp Vladimir Putin đã đồng ý sẽ kết thúc cuộc chiến tranh tại Syria. Tờ Newsweek dẫn lời một số chuyên gia cho biết, những đường nét cơ bản của thoả thuận này giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn giữ được quyền lực của mình; sẽ có một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Syria và Israel (sau bảy mươi năm trong trạng thái xung đột); Damascus đưa ra lời bảo đảm trong vấn đề an ninh của quốc gia Do thái - thông qua hành động đầu tiên và càng sớm càng tốt, là đưa các lực lượng đồng minh của ông Assad được Iran “chống lưng” ra khỏi các khu vực biên giới với Israel.

“Ông Trump sẽ chấp nhận chung sống với Tổng thống Assad”, Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria, nhận định. Theo ông Ford, với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần, Tổng thống Trump đang không ngừng “thúc đẩy đội ngũ cố vấn của mình hoàn thiện các kế hoạch đưa Mỹ ra khỏi Syria”. “Đây là thời gian để gia cố lại chính  sách đối ngoại Mỹ bởi vì các cử tri sẽ quan tâm hơn về các vấn đề đối nội như nhập cư, chăm sóc ý tế, chi phí đời sống…”.

Với chiến thắng trước nhóm khủng bố IS đã trong tầm tay, người đứng đầu nước Mỹ đang tìm kiếm một chiến lược thích hợp để rời Syria. Có vẻ như Thủ tướng Israel Banjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cung cấp một giải pháp cho ông Trump. Newsweek chỉ ra, thoả thuận cuối cùng gần như chắc chắn sẽ có đóng góp lớn từ nỗ lực ngoại giao cường độ cao của Israel.

Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin tại thượng đỉnh Helsinki 2018 (ảnh: Sputnik)

"Quả bom" ngoại giao từ Israel

Trong số các nhà lãnh đạo thế giới, ông Putin là một trường hợp khá đặc biệt. Tổng thống Nga có một quan hệ tốt không chỉ với Iran mà còn cả Israel. Nhiều ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ diễn ra tại Helsinki (16/7), Thủ tướng Netanyahu đã có chuyến công du tới Moscow để gặp gỡ ông Putin lần thứ… chín trong vòng mười tám tháng. Người đứng đầu nội các Israel nói với nhà lãnh đạo Nga, “sự hợp tác giữa Nga và Israel là một yếu tố trung tâm trong việc ngăn chặn một xung đột lớn” tại Trung Đông. Ông Netanyahu cũng nhấn mạnh, hơn bất kỳ quốc gia nào, Israel “phản đối bất kỳ sự hiện diện nào của Iran tại Syria”.

Tuy nhiên, “quả bom” ngoại giao thực sự lại chính là việc Thủ tướng Israel đưa ra tín hiệu rằng,  mặc dù trước đó từng nhiều lần kêu gọi một sự thay đổi chính quyền ở Syria, nhưng giờ đây Tel Aviv bằng lòng với việc ông Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực. Lý do mà ông Netanyahu đưa ra khá đơn giản: so với sự tồn vong của chính quyền Assad, sự hiện diện quân sự của Iran trong khu vực biên giới của họ nhận được sự quan tâm lớn hơn rất nhiều.

Nhiều năm nay, nhà lãnh đạo Israel đã vận động hành lang phản đối các kế hoạch của Nga bán cho Tổng thống Assad hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Các tên lửa này được cho là có thể triệt hạ dễ dàng máy bay của Israel trong không phận Syria. Sau một thời gian dài lảng tránh, năm nay Tổng thống Putin rốt cục đã bị Israel thuyết phục và đồng ý tạm dừng việc cung cấp tên lửa S-400 cho Syria.

Cùng lúc, ông Putin cũng tiến hành các cuộc thương lượng quan trọng với phía Iran. Điện Kremlin còn đóng vai trò như một bên trung gian giữa Washington và Tehran. Nên nhớ kể từ năm 1979, Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Một tuần trước cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump tại Helsinki, Vladimir Putin đã tiếp ông Ali Akbar Velayati –cố vấn hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong chuyến thăm 3 ngày của ông này tới Moscow. Chia sẻ với phóng viên, ông Velayati cho biết, nội dung của cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Putin là về “hợp tác khu vực giữa Iran và Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và những thế lực tài trợ cho nó tại Syria, cũng như các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh riêng tư, trọng tâm đặc biệt của các cuộc thảo luận là việc tranh thủ được sự giúp đỡ của Nga dành cho Iran trước thềm một cuộc khủng hoảng kinh tế, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố có thể sẽ áp dụng lại các lệnh trừng phạt về dầu mỏ lên quốc gia Hồi giáo bắt đầu từ ngày 4/11. 

“Iran cần có những ủng hộ ngoại giao. Nước này cần nguồn đầu tư”, một nhà ngoại giao giấu tên của Nga biết về các cuộc gặp gỡ trên, tiết lộ. “Rõ ràng, thế giới không còn là một thế giới đơn cực. Không quốc gia nào có thể điều khiển được các quốc gia khác nữa. Tehran hiểu rõ, vì vậy, họ tìm kiếm một tình hữu nghị chiến lược với Nga”.

Cụ thể hơn, điều trên có nghĩa là Iran đã sẵn sàng có những nhượng bộ tại Syria, để đổi lấy tiền mặt từ Nga. Trong thời gian ở Moscow, ông Velyati đã không ngừng ca ngợi “mối quan hệ chiến lược và lâu dài” giữa hai nước; đồng thời thông báo rằng, “Nga đã sẵn sàng đầu tư 50 tỷ USD vào các ngành dầu mỏ và khí gas của Iran”.

Ngay sau cuộc gặp gỡ giữa hai ông Putin và Velyati, hai tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Rosneft và Gazprom cho biết, họ đã bắt đầu tiến hành làm việc với Bộ Dầu mỏ Iran về việc việc ký kết một thoả thuận trị giá lên tới 10 tỷ USD.

Điều mà Nga và cả Israel cần, đó là sự rút lui của các đơn vị Vệ binh Cách mạng Iran và nhóm đồng minh Hezbollah. Với sự trợ giúp từ cả Moscow và Tehran, chính quyền Tổng thống Assad đã đảo ngược tình thế bằng hàng loạt các chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng đối lập, từ đó giành lấy lợi thế rõ ràng trong công cuộc bảo vệ quyền lực tại Syria.

Trong khi Arab Saudi và UAE cho biết, họ sẽ làm theo Israel, còn Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đứng ở phía sau Nga – một thoả thuận để kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Syria, gần như là đã hoàn tất. Tóm lại, ông Assad sẽ tại vị; và phương Tây giờ đây bắt đầu phải làm quen với một thực tế là, họ đã “đứng sau” bên thua cuộc trong cuộc chiến tranh tại Syria. Còn Israel cũng đã đưa ra một lựa chọn “khắc nghiệt” cho ông Assad: thuyết phục các đồng minh Iran rời khỏi Syria, hoặc đối mặt với các cuộc không kích ngày càng leo thang.

“Nếu Tổng thống Assad tiếp tục cho phép người Iran hoạt động tại Syria, đó sẽ là sự chấm dứt cho ông ấy và chế độ của mình” Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz đe doạ hồi tháng Sáu. Israel cũng gia tăng tần suất các vụ không kích nhằm vào các mục tiêu liên quan tới Iran ở trong lãnh thổ Syria.

Nga và Mỹ đã đạt được một thoả thuận về tương lai Syria? (ảnh: AFP)

Định hình thoả thuận cuối kết thúc khói lửa Syria

Về phần Iran, giới chức nước này tuyên bố, họ được chào đón tại Syria và sẽ không bao giờ rời đi. “Nỗi lo sợ lớn nhất của chính quyền Do thái đó là khoảng cách gần gũi giữa các tay súng Hồi giáo với biên giới của họ”, ông Masoud Jazayeri, một quan chức quân đội Iran phát biểu trước các phóng viên hồi đầu tháng Bảy. “Mỹ và Israel đang cố gắng trong vô vọng để thay đổi tình thế. Nhưng họ nên biết rằng, điều kiện này sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, những tin tức từ chiến trường thực địa có vẻ như lại cho thấy điều ngược lại. Cuối tháng Sáu, theo tổ chức Quan sát Syria vì nhân quyề (SOHR), một số lượng lớn các quân lính được Iran “hậu thuẫn”, đã rút xa khỏi khu vực biên giới giữa Syria và Israel dọc theo phần lãnh thổ còn đang trong tranh chấp là Cao nguyên Golan – khoảng 40km. Điều này cũng có thể coi là mở đường cho việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước lần đầu tiên trong cả một thế hệ.

“Miền nam Syria cần phải tuân theo hoàn toàn công ước 1974 về việc xử lý các xung đột giữa Israel và Syria,” ông Putin nói trong cuộc họp báo sau hội nghị Helsinki. “Điều này sẽ mang lại hoà bình cho cao nguyên Golan, và an ninh cho Israel. Tổng thống Trump đã đặc biệt chú ý về vấn đề này trong cuộc gặp mặt ngày hôm nay.

Đương nhiên vẫn có những giới hạn. Cựu đại sứ Robert Ford đánh giá, giữa Moscow và Damascus, thì Iran là một đối tác có ý nghĩa nhiều hơn đối với ông Assad. “Các lực lượng chiến đấu trên chiến trường là rất quan trọng – các lực lượng thân ông Assad đã được vũ trang, huấn luyện và điều động  phần lớn là do Iran, hơn là Nga”, ông Ford nói.  

Câu hỏi đặt ra là cần phải làm đến mức độ nào mới có thể “thoả mãn” được Israel. Ngoài ra, Nga cũng có không ít lợi ích chung với Iran bên ngoài Syria – ví dụ như biên giới hàng hải của họ tại vùng biển Caspi với nguồn dầu mỏ phong phú, quân sự Hồi giáo tại vùng Caucasus và quan hệ với các nước nhiều dầu mỏ ở Trung Á…

Cho dù thế nào, rõ ràng, Moscow sẽ rất hài lòng nếu có thể “hỗ trợ” đẩy nhanh quá trình rút quân của Mỹ khỏi Syria, để lại một quốc gia Trung Đông nằm trong vòng tay bảo hộ của Nga. Ông Putin có lẽ cũng sẵn sàng ký kết bất kỳ thoả thuận nào, cho dù là do Israel đề xuất, chỉ cần Tổng thống Assad vững vàng trên ngôi vị quyền lực.

Chỉ là làm sao có thể thuyết phụ Iran lùi bước và rời Syria – vẫn là một thách thức không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với các lệnh trừng phạt của Mỹ đang ngày càng đến gần, Tehran rất cần sự trợ giúp tài chính từ phía Nga. Bên thua cuộc duy nhất trong thoả thuận này, nhiều phần chính là lực lượng đối lập ở Syria – những người mà Washington từng “chống lưng” nhưng giờ đây lại không ngần ngại “buông tay”. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ