• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ kịch bản Nga rút khỏi thoả thuận “đinh” với OPEC

Thế giới 20/11/2017 09:36

(Tổ Quốc) - Tưởng như “điên rồ” nhưng nếu Nga lựa chọn không tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu của mình, đó lại là một quyết định “có thể lý giải”.

Hôm thứ Sáu (17/11), Chris Weafer – một nhà nghiên cứu cấp cao của Macro – Advisory nhận định, Nga có thể sẽ không ủng hộ việc gia hạn thoả thuận liên quan tới cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu.

Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được cho là đang tiến tới một thoả thuận với các nhà xuất khẩu dầu thô liên kết, nhằm gia hạn thêm 9 tháng nữa cho một thoả thuận về cắt giảm sản lượng dầu. Theo đó, các thành viên OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu sẽ tiếp tục giữ mức sản lượng trên thị trường là 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong toàn bộ năm sau.

Tuy vậy, theo Weafer, mặc dù bề ngoài, việc Nga rút khỏi thoả thuận trên có vẻ như là “một quyết định điên rồ”, tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đang thay đổi các ưu tiên công nghiệp của mình, điều này thực tế lại “hoàn toàn lý giải được”.

Weafer nhận định, nếu giá dầu vẫn ở mức 60 đến 65 USD/thùng, việc Moscow ủng hộ gia hạn cho thoả thuận cắt giảm sản lượng, sẽ “rất khó xảy ra”. Theo ông, Nga vẫn có thể có lời trong khoảng giá hơn 50 USD/thùng, và bất kỳ mức giá cao hơn nào, cũng sẽ khiến các doanh nghiệp khai thác Mỹ gia tăng sản lượng. Ông cũng tin rằng, mức giá này sẽ khuyến khích nền kinh tế Nga đa dạng hoá, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ - nguồn sinh lời chủ yếu cho quốc gia Châu Âu.

 Một dàn khoan dầu khí của Nga tại Bắc Cực

“Nguy cơ cho một sự sụp đổ khác”

“Giá dầu cao hơn có thể làm xuất hiện rủi ro của việc đổ thêm tiền đầu tư vào các dự án khai thác của Mỹ và Canada – mà năm 2014, từng bị đánh giá là gây ra nguy cơ làm gia tăng mạnh sản lượng dầu toàn cầu,” Weafer phân tích trong một bài nghiên cứu đăng trên tờ The Moscow Times. Vì vậy, việc Nga ủng hộ thoả thuận do OPEC khởi xướng, có thể “tạo ra nguy cơ cho một sự sụp đổ khác” vào năm sau.

Hồi tháng Mười, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak từng nói, Moscow có thể sẽ bằng lòng gia hạn thoả thuận sản lượng dầu đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo Weafer, phát biểu của ông Novak đã không còn mang tính tương quan bởi vì nó được đưa ra vào thời điểm khi giá dầu đang dao động giữa mức 50 – 55 USD/thùng.

Chiều Thứ Sáu (17/11), giá dầu thô Brent vào khoảng 62,05 USD/thùng – tăng 1,14%; trong khi giá dầu thô Mỹ vào khoảng 55,01 USD/thùng – tăng 1,6%. Giá dầu giảm mạnh từ 120 USD/thùng hồi tháng 6/2014 do nhu cầu thấp, đồng USD mạnh và sản lượng cao của các nhà khai thác từ Mỹ. Việc các thành viên OPEC không muốn cắt giảm sản lượng được xem là một lý do chủ chốt đằng sau việc sụt giá. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, OPEC đã phải nhanh chóng tiến tới thoả thuận cắt giảm.

“Giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ”

Weafer đánh giá, nếu Nga chọn ngừng gia hạn thoả thuận, nước này sẽ có thêm cơ hội cho những nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế, và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Ngoài ra, Điện Kremlin vẫn khá kiên định với thông điệp rằng, một đồng rúp yếu sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Nga. Và trong khi giá dầu tăng từ hơn 50 USD lên mức 64 USD/thùng trong những tuần gần đây, tỷ giá rúp và USD đã trở nên yếu hơn.

Những con số trên là lý do thuyết phục cho thấy “Moscow hiện thích hợp với mức giá trên dưới 50 USD/thùng hơn là trong khoảng hơn 60 USD/thùng,” chuyên gia của Macro-Advisory kết luận.

Hồi đầu tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazroui cho biết, ông hy vọng các nước OPEC và ngoài OPEC sẽ gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu trong một cuộc họp vào cuối tháng Mười một tới đây, được tổ chức tại Vienna.

Thoả thuận hiện tại đã được thông qua vào tháng 12/2017 và đã từng được gia hạn một lần trước đây đến hết tháng 3/2018.

(Theo CNBC)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ